BLUE STRATEGY GROUP

Strategy :: Technology :: Organization :: Innovation :: Policy

Sunday, March 20, 2011

Cá chép hoá rồng và động lực sáng tạo đổi mới


Trong sự vận động phát triển liên tục của văn minh và tiến bộ, sáng tạo và đổi mới chính là động lực quan trọng nhất. Thông qua sáng tạo đổi mới, những tiến bộ trong kinh tế, văn hoá, chính trị, quân sự, khoa học, công nghệ… đã được áp dụng và triển khai, đem lại sức mạnh cho các tổ chức, quốc gia. Có thể thấy những quốc gia hiện nay rất thành công theo mô hình này bao gồm Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Italia, Mỹ và tới đây sẽ là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga.
Kinh nghiệm sáng tạo đổi mới quốc gia
Theo nhà nghiên cứu lịch sử khoa học Thomas Kuhn, sự phát triển và tiến bộ thông qua thay đổi về mẫu hình kiến trúc tổ chức hệ thống (Paradigm Shift) thường chỉ xảy ra sau khi có sự chuyển giao giữa các thế hệ. Tuy nhiên, có những hệ thống về nhận thức và giá trị của tổ chức lại mang tính nguyên lý cơ bản và giá trị lâu dài, do đó không thay đổi thông qua việc chuyển giao giữa các thế  hệ. Một ví dụ của nền tảng giá trị này chính là hệ giá trị tư tưởng và triết lý của Khổng Tử vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước Đông Á đến tận ngày nay.
Trong xu hướng phát triển và sự tương tác giao thoa giữa các nền văn mình thế giới thì những điều kiện khách quan và chủ quan cũng sẽ thay đổi. Có thể nhận thấy điều này qua các tiên đoán của Naisbitt về xu hướng thay đổi toàn cầu (Megatrends) mang tính vĩ mô, những động lực thay đổi vi mô của các tổ chức theo các nghiên cứu Prahalad và Gary Hamel. Điểm chung của các xu hướng chính là sự thay đổi và tiến bộ là tất yếu, không thể đảo ngược. Cơ sở để thành công là nắm bắt được xu hướng phát triển và động lực tiến bộ.
Lịch sử cho thấy, những nền văn minh đã có thời kỳ phát triển và thành công rực rỡ nếu không thay đổi bắt kịp với xu hướng của thời đại nhất định sẽ suy tàn. Có thể thấy thông qua những sự thất bại và suy tàn của triều đại nhà Thanh là triều đại phong kiến hùng mạnh nhất, sự sụp đổ của đế quốc Anh một thời bá chủ thế giới, những tập đoàn đa quốc gia lớn bị sụp đổ và sát nhập như Digital Equipment, Compaq, SUN, Nortel…
Thành công và thất bại
Những quốc gia đổi mới thành công trong lịch sử có thể thấy ở nước Pháp với cuộc cải tổ xã hội thời Vua Luis XIV đã đưa nước Pháp trở thành quốc gia đứng hàng đầu châu Âu.
Nước Nga với cuộc cải cách thể chế của Sa hoàng Pie đại đế đã xây dựng nước Nga trở thành thế lực lớn từ một nước Nga nghèo nàn lạc hậu.
Nước Nhật với cuộc cải cách Minh trị trong sự thay đổi sâu sắc từ văn hoá phương Đông chuyển sang tiếp nhận những giá trị của phương Tây, đã đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc hiện đại.
Những thay đổi táo bạo trong hệ thống kinh tế xã hội và KHCN của nước Mỹ sẽ đem lại sức mạnh mới cho quốc gia này đang được Tổng thống Barack Obama tiến hành mạnh mẽ… Bài học ở đây chính là dám đặt ra những nguyên tắc và giá trị mới để thành công và phải thực hiện mạnh mẽ đổi mới.
Bài học thành công của nước Mỹ trong sáng tạo chính là dám đặt ra những nguyên tắc và giá trị mới để thành công và phải thực hiện mạnh mẽ đổi mới.
Những đổi mới và cải cách mang tầm cỡ quốc gia đều làm thay đổi rất lớn đến văn hoá và kiến trúc tổ chức của các quốc gia đó. Thực tế cho thấy, sự thay đổi và đổi mới là hết sức khó khăn và lâu dài. Nhà tư tưởng chiến lược Machiavelli nhận định rằng không có gì khó khăn và rủi ro hơn là việc thực hiện đổi mới hệ thống, nhưng ông cũng cho rằng đó là việc bắt buộc phải làm để thành công. Kết quả đem lại chính là sự thay đổi tiến bộ mang tầm thể chế hệ thống và văn hoá xã hội, là cơ sở và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia.
Vấn đề cốt lõi của sự tiến bộ từ đổi mới chính là phải nhận thức rằng khi hoàn cảnh khách quan thay đổi thì những giá trị và nguyên tắc cũng sẽ phải thay đổi. Do đó, cần phải nhận thức và sáng tạo lại hệ giá trị và văn hoá để phù hợp với hoàn cảnh mới. Đồng thời, muốn sáng tạo và đổi mới để tái tạo thành công, cần phải có một động lực mạnh mẽ.
Hiện nay, những quốc gia đổi mới sáng tạo thành công phải kể đến Phần Lan, Thuỵ Điển, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Singapore. Những nước được xem là thất bại trong tái tạo và đổi mới để phát triển là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, những nước Đông Âu…
Viện Hàn lâm quốc gia Việt Nam và kiến trúc cho sáng tạo đổi mới
Hệ thống năng lực đổi mới và sáng tạo quốc gia chính là cốt lõi của thành công trong sáng tạo để đổi mới và phát triển. Năng lực sáng tạo đổi mới quốc gia bao gồm:
 

(i). Hệ thống nghiên cứu quốc gia, đứng đầu phải là Viện hàn lâm quốc gia Việt Nam, là nơi tập trung những trí thức hàng đầu của đất nước, các Viện nghiên cứu, tổ chức KHCN, trường đại học nghiên cứu.
(ii). Hạ tầng kinh tế xã hội khoa học công nghệ cho sáng tạo đổi mới, các tổ chức và doanh nghiệp hoạt động sáng tạo đổi mới.
(iii). Hạ tầng pháp lý và chính sách chủ trương về sáng tạo đổi mới.
(iv). Nguồn nhân lực và các chương trình hỗ trợ sáng tạo đổi mới.
(v). Kiến trúc chiến lược về khoa học công nghệ và sáng tạo đổi mới của quốc gia.
Động lực của sự đổi mới và tiến bộ là phải là nhận thức nhu cầu tự thân của từng cá nhân, tổ chức và mỗi quốc gia. Khi có động cơ để đổi mới, con người và tổ chức sẽ đem hết tất cả năng lực của mình để thực hiện đổi mới và đạt được thành công.
Bài học để đổi mới và tái tạo thành công là phải dứt khoát bỏ đi những gì đã cản trở nhận thức đổi mới của chúng ta, hình thành hệ thống đổi mới và sáng tạo quốc gia, tạo ra những giá trị và quy tắc mới để thành công trong tình hình toàn cầu hoá hiện nay và từ đó xây dựng năng lực cạnh tranh của đất nước.
Khi cá chép vượt vũ môn để hoá rồng, nó cần phải nhả bỏ viên ngọc quý chính là hệ giá trị cũ ngoại thân đã mang theo mình trước đó và phải dùng hết sức lực bơi vượt lên dòng thác nước ngược, tạo nên sức mạnh nội tại của hệ giá trị mới, hoá rồng thành công. Cá chép nào không làm được hai điều này sẽ không thể hoá rồng, và mãi mãi vẫn chỉ là cá chép mà thôi.
Câu hỏi chính là cá chép có muốn hoá rồng hay không?
SG 03.2011

Labels: , , , ,

Monday, March 14, 2011

Việt Nam có nền tảng tốt để xây dựng kinh tế sáng tạo


Thế giới đang đứng trước một sự thay đổi lớn lao về cách thức tạo ra của cải và sức mạnh. Trước đây, sức mạnh được tạo ra từ nền tảng công nghiệp như cơ khí, chế tạo, hoá học, sản xuất… ngày nay sức mạnh đến từ khu vực dịch vụ, thông tin và sự sáng tạo đổi mới. Trong xu hướng phát triển của kinh tế xã hội, sự sáng tạo và đổi mới luôn đóng vai trò quan trọng. Những nhà phát minh lớn, như: Leonardo da Vinci, I.Newton, C.Darwin, A.Einstein, T.Edison, H.Ford, Steve Jobs… đã tạo ra những sự sáng tạo làm thay đổi thế giới.
Có thể nhìn thấy sự dịch chuyển sức mạnh này thông qua hình ảnh của nước Mỹ, thay vì  Boeing, GE, IBM, General Motor, Coca Cola… trước đó, thì nay hình ảnh nước Mỹ là Apple, Google, Microsoft, Facebook, Disney… Sức mạnh của nước Mỹ đã dịch chuyển từ nền kinh tế sản xuất công nghiệp sang nền kinh tế dịch vụ và sáng tạo đổi mới dựa trên nền tảng tri thức và Internet.
Việt Nam cũng đang phải lựa chọn cho mình một hướng đi và một vị trí xứng đáng trong nền kinh tế sáng tạo toàn cầu. Người Việt Nam rất thông minh và sáng tạo, những tố chất được thể hiện rất rõ trong lịch sử dân tộc, trong chiến tranh và trong thời gian hoà bình xây dựng đất nước, trong kinh doanh, trong học tập nghiên cứu khoa học với những thành tích đáng tự hào về toán học và cờ vua gần đây. Những ngành dịch vụ sáng tạo có thế mạnh của Việt Nam có thể kể đến: thiết kế, nghệ thuật, giáo dục, du lịch, biểu diễn, thời trang, mỹ thuật, thủ công, mỹ nghệ, văn hoá, ẩm thực…
Khoa học sáng tạo là gì?
Khoa học sáng tạo được nghiên cứu một cách có hệ thống và thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học do nhu cầu thực tế. Những vấn đề được quan tâm gồm nguyên lý sáng tạo, kỹ thuật sáng tạo, tâm lý học sáng tạo.
Cùng với sự phát triển của khoa học sáng tạo, việc áp dụng CNTT và máy tính đã giúp cho khoa học sáng tạo những bước phát triển mạnh mẽ. Sáng tạo học (Creatology) đã trở thành một ngành khoa học chuyên sâu có phạm vi nghiên cứu rộng lớn. Quản lý và giải quyết những vấn đề sáng tạo một cách khoa học là một vấn đề khó và phức tạp vì luôn luôn có yếu tố con người trong các hoạt động sáng tạo.
Nhà nghiên cứu X.L Rubinstein cho rằng “sự sáng tạo là hoạt động của con người tạo ra những chất liệu mới có ý nghĩa xã hội và những chất liệu mới ấy có thể là giá trị vật chất hay tinh thần“. Theo nhà tâm lý học người Mỹ Willson thì sáng tạo là “quá trình mà kết quả là tạo ra những kết hợp mới cần thiết từ các ý tưởng dạng năng lượng, các đơn vị thông tin, các khách thể hay tập hợp của hai ba yếu tố được nêu ra“. Nhà khoa học Tiệp Khắc J.H Lavsa cho rằng “sáng tạo là sự lựa chọn và sử dụng những phương tiện mới cách giải quyết mới“. Sáng tạo bao gồm những khái niệm như: tư duy sáng tạo, năng lực sáng tạo và các hoạt động sáng tạo.
Thế giới đang đứng trước một sự thay đổi lớn lao về cách thức tạo ra của cải và sức mạnh.
Tư duy sáng tạo là khả năng giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra một cái mới bằng cách thức mới và đạt được kết quả một cách hiệu quả. Tư duy sáng tạo gần như là tài nguyên cơ bản của con người. Tư duy sáng tạo gắn liền với việc đưa ra cái mới, sáng chế mới, ý tưởng mới, phương án giải quyết mới. Tư duy sáng tạo thuộc về năng lực ra quyết định, kết hợp độc đáo, liên tưởng hay phát minh ra ý tưởng mới.
Năng lực sáng tạo là khả năng tạo ra những cái mới hoặc giải quyết vấn đề một cách mới mẻ. Đặc trưng của năng lực sáng tạo đó là khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, dựa trên những phẩm chất cá nhân như trí tuệ (IQ), cảm nhận (EQ), trí nhớ, động lực và ý chí cho phép giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, độc đáo và hiệu quả.
Hoạt động sáng tạo là một hoạt động đặc biệt bao gồm nhiều thành tố khác nhau để hướng đến kết quả cuối cùng là tạo ra cái mới. Hoạt động sáng tạo đòi hỏi phải có nỗ lực, phải có động cơ sáng tạo và dựa trên năng lực sáng tạo. Hoạt động sáng tạo là một tổng thể của sáng tạo và tái tạo. Sáng tạo hướng đến những sản phẩm mang giá trị mới mẻ, trong khi tái tạo là bước đệm dưỡng sức cho hoạt động sáng tạo.
Thông minh không đồng nhất với sáng tạo
Thông minh và sáng tạo là không đồng nhất với nhau vì sáng tạo có sự ảnh hưởng mạnh hơn của các yếu tố như ý chí, xúc cảm, động cơ. Sự sáng tạo và thông minh là khác nhau ở mỗi cá nhân. Thông minh là một phần quan trọng của trí tuệ cho phép con người nhận thức thế giới một cách sâu sắc, đầy đủ và toàn diện. Sáng tạo là một thành phần khác của trí tuệ, tạo những phát minh, sáng chế, cải tiến,  sáng tác, những cái mới, có thể là những sản phẩm thuộc lĩnh vực khoa học xã hội – nghệ thuật.
Sản phẩm của trí thông minh là phát minh có thể tồn tại rất lâu dài, thậm chí vĩnh viễn, nhưng sáng chế là sản phẩm của sáng tạo thì rất nhanh được cải tiến để đi đến sáng chế mới.
Mấu chốt của hoạt động sáng tạo là ý tưởng. Ý tưởng sáng tạo dù là giản đơn hay phức tạp thì chính nó là mấu chốt của hoạt động sáng tạo vì nó là cơ sở và là đích đến của sự sáng tạo. Einstein cho rằng, ý tưởng, trực giác sáng tạo, khả năng đặt vấn đề hay câu hỏi đúng đắn (liên quan EQ) quan trọng hơn việc giải quyết vấn đề thường bao gồm các công việc liên quan đến toán học hay kinh nghiệm (liên quan IQ).
Năng lực sáng tạo được đo lường thông qua các trắc nghiệm. Quá trình này được diễn ra bằng cách đo năng lực sáng tạo khi cá nhân được kiểm tra thử thách thông qua giải quyết các nhiệm vụ đã được chuẩn hoá. Các nhiệm vụ này được thiết kế sao cho đánh giá đúng những tâm điểm của trí tuệ sáng tạo, giúp cho cá nhân bộc lộ năng lực sáng tạo của mình. Các phép thử hành vi trong trắc nghiệm sáng tạo phải chuyển thành các kích thích hành động sáng tạo của cá nhân đo lường.
Phương pháp khoa học quản lý sáng tạo
Các phương pháp nghiên cứu sáng tạo, như Phương pháp đối tượng tập trung (Method of Focal Objects) của F.Zwicky, Tư duy theo chiều ngang (Lateral thinking) của E.D.Bono, phương pháp Động não (Brainstorming) của A.Osborn, phương pháp Đối tượng tiêu chuẩn do F.Kunze nghiên cứu và phương pháp Tổng hợp (Synectic) do W.Gorden đề xuất vào năm 1960.
Phương pháp Sáu chiếc mũ sáng tạo của Edward de Bono: giúp cho chủ thể sáng tạo có được nhiều cái nhìn về một đối tượng mà những cái nhìn này sẽ khác biệt so với các cách nhìn nhận thông thường. Mỗi một chiếc mũ mang một màu sắc tượng trưng cho một dạng thức của suy nghĩ:
(1). Mũ trắng: trung tính, tập trung trên thông tin rút ra được , các dữ liệu căn cứ và những thứ cần thiết, làm sao để nhận được chúng.
(2). Mũ đỏ: nóng, tình cảm, cảm giác, cảm nhận, trực quan, những ý kiến khôg chứng minh hay giải thích lý lẽ.
(3). Mũ đen: phê phán, bình luận, tại sao sự kiện là sai, tất cả những ý kiến cảm xúc tiêu cực bi quan.
(4). Mũ vàng: tích cực, lạc quan, quan điểm tích cực, lợi ích, những điều tốt đẹp.
(5). Mũ lục: sáng tạo, đưa ra những khả năng có thể xảy ra và các giả thuyết, ý tưởng mới.
(6). Mũ xanh dương: là điều khiển, chi phối quá trình, các bước tổ chức, lãnh đạo, suy xét và các kết luận.
Quy trình sáng tạo DOIT (Define problem, Open mind and apply creative techniques, Identify the best solution, Transform): là phương pháp sáng tạo bằng cách hoạt động nhận thức tối đa vấn đề theo hướng cởi mở các ý tưởng hiện tại để hướng đến giải pháp tốt nhất dựa trên việc đánh giá và so sánh các giải pháp.
Các ý tưởng được đưa ra xem là nguồn dữ liệu cần thiết và quan trọng cho sáng tạo. Các thao tác sáng tạo đòi hỏi người sáng tạo phải theo sát, kiểm soát để có kết quả sáng tạo tốt nhất. Các bước bao gồm: (i) Xác định vấn đề (ii) Cởi mở ý tưởng và sáng tạo (iii) Xác định lời giải hay nhất (iv) Chuyển bước và thực hiện lời giải
Sơ đồ ý tưởng (Mind Map) của Tony Buzan: rất dễ dùng và được áp dụng rộng rãi trong thực tế. Sử dụng hình ảnh của sơ đồ để xâu chuỗi các thông tin theo một kết cấu nhất định nhằm nhìn nhận vấn đề hay giải quyết vấn đề theo hướng sáng tạo, gọn ghẽ, khoa học.
Được sử dụng như một phương pháp ghi nhớ chi tiết để phân tích đối tượng, tổng hợp các dữ liệu của vấn đề thành một dạng của lược đồ phân nhánh. Trên cơ sở đó, các ý tưởng sáng tạo cùng được nảy sinh dựa trên việc phát triển khi liên kết các các dữ liệu, dữ kiện. Phương pháp này hỗ trợ cho sự sáng tạo khi thực hiện động não (Brainstorming), giúp cho ý tưởng được rõ ràng khúc chiết, dễ quản lý và kiểm soát ý tưởng.
Lý thuyết sáng tạo TRIZ (Teoriya Resheniya Izobreatatelskikh Zadatch): do nhà khoa học sáng tạo Genrich Sanfovich Altshuller (Liên Xô) và các cộng sự tạo ra. Đây là lý thuyết lớn với các công cụ hoàn chỉnh nhất trong khoa học sáng tạo.
TRIZ dựa vào kết quả của một cuộc khảo sát và phân tích sâu sắc những quy luật sáng tạo cơ bản ẩn chứa bên trong những sáng chế. Lý thuyết bao gồm 9 quy luật phát trển hệ thống kỹ thuật, 40 nguyên tắc sáng tạo cơ bản để giải quyết các bài toán kỹ thuật, 76 chuẩn để giải các bài toán sáng chế. Có thể áp dụng để tiếp tục tổ hợp hoá các thành phần này theo các cách khác nhau để tạo nên những kết quả đa dạng phong phú.
Nguyên lý sáng tạo TRIZ được áp dụng trong nhiều ngành công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. TRIZ được áp dụng để tạo ra những tiến bộ trong ngành phần mềm, công nghệ hoá học, kiến trúc, quảng bá giáo dục. Các tập đoàn lớn như Boeing, Samsung, Johnson&Johnson… đang áp dụng TRIZ trong hoạt động quản lý sáng tạo của mình.
Hệ thống quản lý sáng tạo của Thomas Edison:
Thomas Alva Edison, nhà phát minh hàng đầu với 1093 phát minh sáng chế hữu ích như: bóng đèn điện, máy hát, tàu điện… là nhà tiên phong trong lĩnh vực quản lý sáng tạo một cách khoa học. Với biệt danh “Nhà phù thuỷ ở Menlo Park”, Edison nổi tiếng với khả năng tự học hỏi và năng lực sáng tạo mạnh mẽ. Peter Drucker, bậc thầy về quản lý đã gọi Thomas Edison là “hình mẫu lý tưởng cho mọi doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và công nghệ”. Trước Edison, việc phát minh sáng tạo là các hoạt động ngẫu nhiên và đơn lẻ. Hệ thống quản lý sáng tạo của Edison bao gồm phương pháp quản lý sáng tạo, nguyên tắc sáng tạo và những phẩm chất năng lực để sáng tạo hiệu quả.
Phương pháp quản lý sáng tạo của Thomas Edison bao gồm các nguyên lý:
(i). Tư duy hướng tới giải pháp: lấy giải pháp làm trọng tâm là cách giúp Edison luôn có rất nhiều công cụ và phương pháp để giải quyết vấn đề.
(ii). Suy nghĩ đa chiều: tư duy nhiều vấn đề cùng một lúc và xem xét vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau để có sự đa dạng trong tư duy.
(iii). Hoạt động hết mình: hoạt động hết mình với niềm đam mê và sáng tạo tối đa với nguồn năng lượng và sức khoẻ dồi dào cho phép Edison có rất nhiều phát minh sáng chế.
(iv). Sáng tạo siêu giá trị: sáng tạo hữu ích phải đến từ nhu cầu thị trường. Edison luôn phát minh và sáng tạo ra những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống như điện thoại, máy chiếu phim, máy hát đĩa…
Nguyên tắc sáng tạo của Edison được tóm tắt thông qua từ SMART:
(S)pecific: cần xác định những việc cần làm một cách chi tiết cụ thể.
(M)easurable: đo lường, đánh giá quá trình thực hiện như thế nào? Làm sao biết đã hoàn thành mục tiêu
(A)ccountable: hãy chịu trách nhiệm và cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm để hoàn thành mục tiêu. Đảm bảo rõ ràng trách nhiệm của từng người trong nhóm.
(R)elevant: đảm bảo các mục tiêu cụ thể là phù hợp với với mục đích và giá trị ban đầu.
(T)imeline: thời hạn phải hoàn thành cho từng mục tiêu, công việc sáng tạo cần hoàn thành trong thời hạn cho phép, nếu không sẽ không còn giá trị.
Những phẩm chất và năng lực EDISON cần thiết cho sáng tạo:
(E)motional: theo kinh nghiệm của Edison, trí tuệ cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc tìm lời giải sáng tạo và hoàn thành mục tiêu. Đam mê gắn với sáng tạo cho phép hoàn thành công việc tốt hơn.
(D)ecisive: sự quyết đoán trong công việc, mạnh dạn đưa ra quyết định, chấp nhập rủi ro và thử thách trong công việc và sáng tạo.
(I)ntergrated: kết hợp một cách rõ ràng thận trọng mục tiêu hiện nay có phù hợp với các định hướng khác hay không và phải đặt trên cơ sở của mục đích chung nhất. Giữ phương châm luôn luôn gắn mục tiêu với những mục đích cao cả hơn ngoài lợi ích cá nhân.
(S)ensory: sử dụng giác quan để cảm nhận và mường tượng ra quá trình thực hiện mục tiêu.
(O)ptimistic: lạc quan và thực hiện mục tiêu là một điều tất yếu.
(N)ow: xác định mục tiêu hiện tại và thực hiện ngay.
Cuối cùng, theo Edison “thành công bao gồm 99% lao động và 1% sáng tạo”. Để hoàn thiện sáng chế tạo ra pin kiềm, Edison đã tổ chức thực hiện khoảng 50.000 thí nghiệm. Trong quá trình lao động và sáng tạo, Edison đã tích luỹ được một kho kinh nghiệm và kiến thức khổng lồ. Cùng với những sách vở tư liệu được sưu tầm, kho tri thức sâu rộng này đã giúp Edison tiến hành thành công các hoạt động sáng tạo đổi mới.
Giáo dục khả năng sáng tạo
Dựa trên cơ sở nhận thức mỗi người đều có tiềm năng sáng tạo nhất định, các hoạt động sư phạm giáo dục sáng tạo nhằm tạo nên một cách có chủ ý khả năng sáng tạo hay các thành phần của năng lực sáng tạo bằng những phương pháp và những điều kiện sư phạm phù hợp. Giáo dục có vai trò đặc biệt để nâng cao và phát triển khả năng sáng tạo của con người. Giáo dục sáng tạo có hai hướng chính:
(i)- Hướng dẫn có chương trình, kế hoạch có nội dung nhằm phát triển có chủ định khả năng sáng tạo. Theo hướng này thì có hai kiểu chương trình phát triển sáng tạo được xây dựng là phát triển sáng tạo nói chung và phát triển những thành phần cụ thể của sáng tạo.
(ii)- Giáo dục loại trừ những cản trở cho sự hoạt động sáng tạo. Đây là hướng được áp dụng nhiều trong thực tế thông qua các lớp huấn luyện ngắn hạn theo chuyên đề nhằm nhận ra những yếu tố cản trở sự sáng tạo như: sự sợ hãi, tính ỳ tâm lý, các biện pháp khắc phục để thúc đẩy sự sáng tạo.
Giáo dục có vai trò rất quan trọng để nuôi dưỡng phát triển tư duy sáng tạo. Giáo dục cái mới hay nhồi nhét kiến thức sẽ không bao giờ đủ, thậm chí còn làm tắt đi khả năng sáng tạo. Giáo dục cách sáng tạo để đạt đến cái mới tìm ra cái mới là yêu cầu tối cần thiết, chính là trang bị công cụ tối ưu cho con người khả năng sáng tạo.
Bảo vệ tài sản trí tuệ và giá trị sáng tạo:
Trong các kết quả hoạt động sáng tạo của con người, những sáng chế (License) sẽ được trải qua các bước thẩm định như sau:
(1). Xác định tác giả sáng chế, cải tiến
(2). Xác định các giải pháp kỹ thuật so với chuẩn sáng chế
(3). Cấp giấy chứng nhận tác giả hoặc công nhận sáng chế (Patent)
(4). Xác định quyền chuyển nhượng hay sử dụng
(5). Bảo vệ phát minh sáng chế theo quy mô
Các tổ chức bảo vệ quyền lợi tác giả và phát minh sáng chế gồm NOIP (Cục sở hữu trí tuệ – Việt Nam), WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới), UPSTO (Mỹ), EPO (Châu Âu) và Công ước quốc tế Berne. Thông qua các tổ chức bảo vệ phát minh và bản quyền, sự sáng tạo mới sẽ được đánh giá và trả công xứng đáng, đem lại lợi ích kinh tế cho cá nhân và tổ chức thực hiện sáng tạo đổi mới. Từ đó, có động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới và sáng tạo trên quy mô toàn cầu.
Sáng tạo trong nền kinh tế tri thức toàn cầu hoá
Theo Edison, để sáng tạo cần phải có một trí tưởng tượng phong phú và nền tảng kiến thức sâu rộng. Ngày nay, Internet cung cấp một môi trường hoàn hảo cho sự sáng tạo phát triển. Thông qua Internet, chúng ta có thể học hỏi một cách có hệ thống các kiến thức cần thiết, giao lưu với các cộng đồng sáng tạo trên những diễn đàn chuyên ngành hay các cộng đồng chuyên môn CoP (Community of Practice). Internet còn là nguồn cung cấp thông tin vô tận và mới mẻ về tất cả các vấn đề trong cuộc sống.
Thông qua Internet, các ý tưởng và sáng tạo có thể được kiểm tra, gọt dũa để trở nên hoàn thiện và hữu ích. Thông qua giao dịch eCommerce, ý tưởng và sáng tạo mới được bán và cung cấp cho những khách hàng toàn cầu một cách thuận tiện và nhanh chóng. Ví dụ cụ thể là những sản phẩm, thông tin, dịch vụ, phần mềm được sáng tạo ra ở một nơi và được phân phối thông qua Internet đến tay người dùng trên khắp thế giới.
Trong cuộc vận động phát triển và toàn cầu hoá hiện nay, quốc gia nào có năng lực quản lý và sáng tạo đổi mới tốt hơn sẽ tạo ra nhiều giá trị mới và thu lại được nhiều lợi ích hơn. Việt Nam với thế mạnh nhân lực và năng lực sáng tạo, sự đầu tư mạnh mẽ cho CNTT và truyền thông đã có những nền tảng cơ sở rất tốt để xây dựng nền kinh tế sáng tạo, tạo ra giá trị cao từ những sản phẩm sáng tạo đổi mới.
Tài liệu tham khảo:
INNOVATE LIKE EDISON – (C) 2007 by Michael Gelb and Sarah Miller Caldicot. Penguin Group (USA) Inc
TÂM LÝ HỌC SÁNG TẠO – (C) 2009 NXB GIÁO DỤC VN – TG. Huỳnh Văn Sơn

Labels: , , ,

Tuesday, March 08, 2011

Quản trị DNNN: Hãy học Warren Buffett !



(VEF.VN) - Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi những nguyên tắc đầu tư theo giá trị và nghệ thuật quản lý danh mục đầu tư của Buffett để quản lý hiệu quả khối DNNN. Thắt chặt chi tiêu, đầu tư công là một trong những biện pháp quan trọng của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô.


Đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh sòng phẳng

Theo số liệu của Bộ Tài chính, các tập đoàn kinh tế cùng với tổng công ty đang nắm giữ 75% tài sản cố định của quốc gia và khoảng 60% tổng nguồn tín dụng ngân hàng, chưa kể nhiều ưu đãi khác trong việc tiếp cận các nguồn lực kinh tế - xã hội.

DNNN có nhiệm vụ là các chủ lực tạo ra của cải xã hội, thông qua kiểm soát các nguồn lực kinh tế để làm các nhiệm vụ định hướng phát triển và kiểm soát tình hình kinh tế quốc gia.

Khối DNNN còn đang đảm nhận các nhiệm vụ chính trị xã hội thông qua các dịch vụ công ích, "bà đỡ" cho những vùng khó khăn. Nắm nguồn lực lớn của đất nước, song, hiệu quả hoạt động của các DNNN đang là vấn đề lớn cần xem xét.

Thực chất, DNNN chính là các tổ chức kinh tế thuộc sở hữu toàn dân, do đó đòi hỏi phải có cơ chế giám sát phù hợp, chuẩn mực điều hành và hoạt động tài chính đầu tư hiệu quả.


Việc quản lý đầu tư DNNN theo danh mục là rất cần thiết

Với trách nhiệm quản lý khối DNNN với các nhiệm vụ và lĩnh vực đa dạng, Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT cần phải kiểm soát và nắm được các số liệu hoạt động của khối DNNN một cách kịp thời và chính xác.

Thông qua đó, các Bộ chủ quản có thể đề ra chính sách quản lý và định hướng một cách hiệu quả. Khi Việt Nam có đơn vị quản lý vốn đầu tư tương đương trình độ như Temasek - Công ty quản lý đầu tư Quốc gia Singapore, hoàn toàn có thể chủ động tham gia sâu hơn vào công tác lãnh đạo và quản lý các DNNN.

Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu vào WTO, yêu cầu DNNN phải nhanh chóng nâng cao sức mạnh và năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng hệ thống quản lý hiện đại, quản trị rủi ro và khả năng thực hiện chiến lược. Từ đó, khối DNNN sẽ có đủ năng lực để cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn đa quốc gia. Những DNNN hoạt động có hiệu quả cao và thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài như VNPT, Viettel, PetroVietnam với sức cạnh tranh mạnh mẽ và đã có năng lực để tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh ra nước ngoài.

Các bài học về thất bại và rủi ro khi đầu tư kinh doanh ngoài ngành nghề chính còn có thể thấy tại EVN và Vinashin, những thua lỗ do đầu tư tài chính chứng khoán của các tổng công ty, tập đoàn khác.

Tính đến nay, khối Tập đoàn kinh tế quốc doanh, hay gọi chung Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Việt Nam, có 11 tập đoàn gồm: Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Than - Khoáng sản (Vinacomin), Dầu khí (PetroVietnam), Điện lực (EVN), Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Dệt may (Vinatex), Cao su (VRG), Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt), Viettel, Sông Đà và Tập đoàn Phát triển nhà - đô thị Việt Nam.

Ngoài ra, cả nước còn có 88 tổng công ty và công ty Nhà nước có quy mô lớn, tổ chức hoạt động theo hình thức mẹ - con.

Vận hành cơ chế giám sát

Rõ ràng, cần phải có một cơ chế kiểm soát để các DNNN phải xây dựng hệ thống quản lý tài chính, giám sát hoạt động chiến lược đầu tư. Cơ chế này bao gồm: áp dụng các tiêu chuẩn kế toán quốc tế IAS (International Account System) và thực hiện quản lý danh mục đầu tư của các DNNN.

Cơ chế giám sát DNNN được thực hiện thông qua người đại diện cho đơn vị chủ quản là Giám đốc tài chính - CFO. Trong các hệ thống quản lý doanh nghiệp hiện đại, CFO đóng một vai trò quan trọng trong việc quản trị hoạt động  với các nhiệm vụ:

(i) - Xây dựng hệ thống thông tin quản trị tài chính

(ii) - Quản lý giám sát thực hiện chiến lược

(iii) - Quản lý chi phí hoạt động DNNN


Theo đánh giá của ông John Yeomans, Giám đốc Công ty tư vấn Deloitte Consulting Đông Nam Á, doanh nghiệp Việt Nam còn rất thiếu các công nghệ quản lý và sử dụng CNTT trong công tác quản lý. Thông qua việc đầu tư  xây dựng hệ thống thông tin quản lý MIS (Management Information System), CFO sẽ có báo cáo tài chính giữa niên độ, báo cáo tài chính hợp nhất và danh mục đầu tư tổng hợp. Từ đó cho phép tổ chức giám sát nắm bắt tình hình hoạt động của khối DNNN được chính xác và kịp thời.

Các CFO có thể được học hỏi kinh nghiệm để có khả năng quản trị và giám sát hoạt động của DNNN thông qua hoạt động thực tế tại các đơn vị quản lý đầu tư trong nước và quốc tế như HSC, SSI, CII, VinaCapital hay Temasek. CFO nên nhận được mức thu nhập và thưởng theo thành tích công việc một cách hợp lý để có thể thu hút những cán bộ có năng lực.

Tương tự như các Tập đoàn nước ngoài, các CFO cũng nên luân phiên thay đổi đơn vị công tác trong khoảng 3-4 năm để tránh hiện tượng liên kết với hệ thống quản lý tại doanh nghiệp.

Hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế

Thông qua việc triển khai áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IAS, các số liệu hoạt động và tài chính của DNNN sẽ trở nên rõ ràng và chuẩn mực, phục vụ cho các công tác điều hành và quản trị doanh nghiệp.

Việc áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế IAS cho khối DNNN là rất cần thiết, nhằm bảo đảm tính minh bạch, chính xác và chuẩn hoá của số liệu tài chính doanh nghiệp cũng như các rủi ro tài chính tín dụng của các khoản đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ mạnh mẽ  cho quá trình cổ phần hoá và tái cấu trúc DNNN, cho phép đánh giá một cách chính xác tình trạng hoạt động của DNNN và có các biện pháp điều chỉnh cần thiết để đem lại hiệu quả hoạt động tốt nhất.

Bộ Tài chính đã có thông tư số 210/2009/TT-BTC hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IAS và IFRS về trình bày báo cáo tài chính, xác định giá trị và thuyết minh đối với công cụ tài chính.

Áp dụng tiêu chuẩn IAS, IFRS sẽ cho phép hệ thống kế toán ghi nhận lại rất chính xác và khoa học các hoạt động của DNNN mà hiện nay các tiêu chuẩn kế toán VAS của Việt Nam vẫn chưa làm được do còn đang được hoàn thiện. Việc áp dụng  các chuẩn kế toán quốc tế IAS, IFRS đòi hỏi phải có nhân lực và công nghệ hỗ trợ, tuy nhiên đó là đầu tư cần thiết và hợp lý để có được một hệ thống tài chính quản trị tiên tiến.

Khi có các thông tin tài chính quản trị theo chuẩn mực quốc tế, lãnh đạo và chủ quản DNNN có thể đánh giá kết quả và so sánh với các DN nước ngoài cùng lĩnh vực, từ đó chỉ rõ những điểm yếu cần phải cải tiến và hoàn thiện cho DNNN.

Bên cạnh các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động thông thường như doanh số, chi phí, nguồn vốn, dòng tiền, lợi nhuận... việc đánh giá hiệu quả hoạt động DNNN sẽ bao gồm cả chỉ số hiệu quả kinh tế (Economic Profit). Đánh giá hiệu quả kinh tế sẽ cho biết những đầu tư và hoạt động của DNNN có thật sự đem lại giá trị kinh tế gia tăng hay không.




Khối DNNN Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng độ rủi ro cao do chưa có hệ thống quản trmạnh

Quản lý đầu tư theo danh mục


Việc hoạch định và thực hiện chiến lược đầu tư sẽ thông qua quản lý danh mục dự án đầu tư theo nguyên tắc tối ưu hoá hiệu quả đầu tư, kiểm soát  rủi ro và tránh việc đầu tư trùng lặp. Việc quản lý đầu tư theo danh mục (Portfolio Management) là phương pháp quản lý đầu tư hiệu quả được các tập đoàn hàng đầu như GE, Microsoft... áp dụng trong công tác hoạch định và kiểm soát đầu tư.

Tại Việt Nam, Bộ KH-ĐT sẽ thông qua danh mục đầu tư của các DNNN nắm được chính xác tình hình phân bổ các nguồn vốn đầu tư chiến lược, hiệu quả của việc đầu tư và từ đó có thể có các quyết định điều chỉnh cần thiết, phù hợp với quy hoạch phát triển của từng ngành.

Hiện nay, do không có hệ thống quản lý danh mục đầu tư thống nhất, nên việc quản lý thực hiện các quy hoạch chiến lược là rất kém, thường xuyên bị phá vỡ quy hoạch như quy hoạch phát triển thép, xi măng, khu công nghiệp, cảng biển, nông sản... Thông qua việc tổng hợp các quy hoạch tổng thể và các danh mục đầu tư của DNNN sẽ giúp tránh được việc đầu tư trùng lặp, dư thừa năng lực và phân bố không hợp lý.

Về nguyên tắc, khối DNNN cần được quản lý trên nguyên tắc đánh giá hiệu quả kinh tế và quản lý theo giá trị tương tự như Warren Buffett với chiến lược quản lý đầu tư theo giá trị doanh nghiệp rất thành công.

Dựa trên cơ sở lý luận quản lý đầu tư theo giá trị, Công ty quản lý quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của Buffett là một trong những quỹ đầu tư thành công nhất từ trước đến nay. Những doanh nghiệp được Buffett đầu tư cũng có đặc điểm khá giống các DNNN, đều là những doanh nghiệp lớn, nắm những hạ tầng cơ sở và nhu cầu thiết yếu của xã hội.

Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi những nguyên tắc đầu tư theo giá trị và nghệ thuật quản lý danh mục đầu tư của Buffett để quản lý hiệu quả khối DNNN.

Giá trị của hệ thống quản trị tài chính tiên tiến

Việc xây dựng hệ thống quản trị tài chính và quản lý danh mục đầu tư của sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các DNNN. Với hệ thống quản trị tiên tiến, lãnh đạo DNNN hoàn toàn có khả năng kiểm soát chi tiêu đầu tư hiệu quả hơn. Hệ thống quản lý danh mục đầu tư giúp cho lãnh đạo phân bổ và kiểm soát tốt hơn các nguồn đầu tư, đánh giá được hiệu quả đầu tư tổng thể. Với các đơn vị chủ quản, nhà đầu tư, lãnh đạo DNNN hệ thống quản trị tài chính sẽ cung cấp các báo cáo tài chính kịp thời và chính xác.

Theo chủ trương của Chính phủ, sắp tới, khối DNNN sẽ phải tự phát hành trái phiếu quốc tế để có nguồn vốn đầu tư phát triển. Hiện nay, theo đánh giá của các Quỹ đầu tư quốc tế, khối DNNN có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng có độ rủi ro cao do các số liệu và báo cáo tài chính không theo chuẩn mực quốc tế.

Năm nay, nguồn vốn đầu tư trong nước chỉ đảm bảo khoảng 30% nhu cầu, nhưng việc huy động các nguồn vốn nước ngoài cũng rất khó khăn, dù lãi suất phát hành trái phiếu quốc tế khá cao, lên đến 7-8%/năm, cao hơn trái phiếu các nước khác 1-2%.

Theo TS. Thân Thị Thu Thủy (Chủ nhiệm Bộ môn Chứng khoán - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), muốn phát hành trái phiếu quốc tế, DNNN phải nâng hệ số tín nhiệm thông qua áp dụng cơ chế quản trị tiên tiến và báo cáo tài chính theo những chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Vinamilk là một điển hình quản trị doanh nghiệp thành công với đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, thực hiện hệ thống báo cáo tài chính, quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là DN được giới đầu tư, các nhà quản lý đánh giá cao về năng lực quản lý chiến lược đầu tư, hoạt động kinh doanh hiệu quả và thông tin tài chính minh bạch.

Với giám đốc tài chính CFO có năng lực, hệ thống quản lý tài chính hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, số liệu báo cáo chính xác kịp thời , DNNN hoàn toàn có khả năng đạt được việc quản lý và kiểm soát đầu tư tài chính và chi tiêu hiệu quả tương đương khối doanh nghiệp nước ngoài, đem lại khả năng kiểm soát, quản trị DNNN xứng tầm là các doanh nghiệp trụ cột nền kinh tế đất nước. Với yêu cầu phải phát triển mạnh mẽ khối DNNN, việc đầu tư trang bị hệ thống quản trị tài chính tiên tiến là một việc bắt buộc phải làm.

Nguyễn Anh Tiến

Labels: , , , , , , , ,