BLUE STRATEGY GROUP

Strategy :: Technology :: Organization :: Innovation :: Policy

Sunday, March 20, 2011

Cá chép hoá rồng và động lực sáng tạo đổi mới


Trong sự vận động phát triển liên tục của văn minh và tiến bộ, sáng tạo và đổi mới chính là động lực quan trọng nhất. Thông qua sáng tạo đổi mới, những tiến bộ trong kinh tế, văn hoá, chính trị, quân sự, khoa học, công nghệ… đã được áp dụng và triển khai, đem lại sức mạnh cho các tổ chức, quốc gia. Có thể thấy những quốc gia hiện nay rất thành công theo mô hình này bao gồm Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Italia, Mỹ và tới đây sẽ là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga.
Kinh nghiệm sáng tạo đổi mới quốc gia
Theo nhà nghiên cứu lịch sử khoa học Thomas Kuhn, sự phát triển và tiến bộ thông qua thay đổi về mẫu hình kiến trúc tổ chức hệ thống (Paradigm Shift) thường chỉ xảy ra sau khi có sự chuyển giao giữa các thế hệ. Tuy nhiên, có những hệ thống về nhận thức và giá trị của tổ chức lại mang tính nguyên lý cơ bản và giá trị lâu dài, do đó không thay đổi thông qua việc chuyển giao giữa các thế  hệ. Một ví dụ của nền tảng giá trị này chính là hệ giá trị tư tưởng và triết lý của Khổng Tử vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước Đông Á đến tận ngày nay.
Trong xu hướng phát triển và sự tương tác giao thoa giữa các nền văn mình thế giới thì những điều kiện khách quan và chủ quan cũng sẽ thay đổi. Có thể nhận thấy điều này qua các tiên đoán của Naisbitt về xu hướng thay đổi toàn cầu (Megatrends) mang tính vĩ mô, những động lực thay đổi vi mô của các tổ chức theo các nghiên cứu Prahalad và Gary Hamel. Điểm chung của các xu hướng chính là sự thay đổi và tiến bộ là tất yếu, không thể đảo ngược. Cơ sở để thành công là nắm bắt được xu hướng phát triển và động lực tiến bộ.
Lịch sử cho thấy, những nền văn minh đã có thời kỳ phát triển và thành công rực rỡ nếu không thay đổi bắt kịp với xu hướng của thời đại nhất định sẽ suy tàn. Có thể thấy thông qua những sự thất bại và suy tàn của triều đại nhà Thanh là triều đại phong kiến hùng mạnh nhất, sự sụp đổ của đế quốc Anh một thời bá chủ thế giới, những tập đoàn đa quốc gia lớn bị sụp đổ và sát nhập như Digital Equipment, Compaq, SUN, Nortel…
Thành công và thất bại
Những quốc gia đổi mới thành công trong lịch sử có thể thấy ở nước Pháp với cuộc cải tổ xã hội thời Vua Luis XIV đã đưa nước Pháp trở thành quốc gia đứng hàng đầu châu Âu.
Nước Nga với cuộc cải cách thể chế của Sa hoàng Pie đại đế đã xây dựng nước Nga trở thành thế lực lớn từ một nước Nga nghèo nàn lạc hậu.
Nước Nhật với cuộc cải cách Minh trị trong sự thay đổi sâu sắc từ văn hoá phương Đông chuyển sang tiếp nhận những giá trị của phương Tây, đã đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc hiện đại.
Những thay đổi táo bạo trong hệ thống kinh tế xã hội và KHCN của nước Mỹ sẽ đem lại sức mạnh mới cho quốc gia này đang được Tổng thống Barack Obama tiến hành mạnh mẽ… Bài học ở đây chính là dám đặt ra những nguyên tắc và giá trị mới để thành công và phải thực hiện mạnh mẽ đổi mới.
Bài học thành công của nước Mỹ trong sáng tạo chính là dám đặt ra những nguyên tắc và giá trị mới để thành công và phải thực hiện mạnh mẽ đổi mới.
Những đổi mới và cải cách mang tầm cỡ quốc gia đều làm thay đổi rất lớn đến văn hoá và kiến trúc tổ chức của các quốc gia đó. Thực tế cho thấy, sự thay đổi và đổi mới là hết sức khó khăn và lâu dài. Nhà tư tưởng chiến lược Machiavelli nhận định rằng không có gì khó khăn và rủi ro hơn là việc thực hiện đổi mới hệ thống, nhưng ông cũng cho rằng đó là việc bắt buộc phải làm để thành công. Kết quả đem lại chính là sự thay đổi tiến bộ mang tầm thể chế hệ thống và văn hoá xã hội, là cơ sở và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia.
Vấn đề cốt lõi của sự tiến bộ từ đổi mới chính là phải nhận thức rằng khi hoàn cảnh khách quan thay đổi thì những giá trị và nguyên tắc cũng sẽ phải thay đổi. Do đó, cần phải nhận thức và sáng tạo lại hệ giá trị và văn hoá để phù hợp với hoàn cảnh mới. Đồng thời, muốn sáng tạo và đổi mới để tái tạo thành công, cần phải có một động lực mạnh mẽ.
Hiện nay, những quốc gia đổi mới sáng tạo thành công phải kể đến Phần Lan, Thuỵ Điển, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Singapore. Những nước được xem là thất bại trong tái tạo và đổi mới để phát triển là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, những nước Đông Âu…
Viện Hàn lâm quốc gia Việt Nam và kiến trúc cho sáng tạo đổi mới
Hệ thống năng lực đổi mới và sáng tạo quốc gia chính là cốt lõi của thành công trong sáng tạo để đổi mới và phát triển. Năng lực sáng tạo đổi mới quốc gia bao gồm:
 

(i). Hệ thống nghiên cứu quốc gia, đứng đầu phải là Viện hàn lâm quốc gia Việt Nam, là nơi tập trung những trí thức hàng đầu của đất nước, các Viện nghiên cứu, tổ chức KHCN, trường đại học nghiên cứu.
(ii). Hạ tầng kinh tế xã hội khoa học công nghệ cho sáng tạo đổi mới, các tổ chức và doanh nghiệp hoạt động sáng tạo đổi mới.
(iii). Hạ tầng pháp lý và chính sách chủ trương về sáng tạo đổi mới.
(iv). Nguồn nhân lực và các chương trình hỗ trợ sáng tạo đổi mới.
(v). Kiến trúc chiến lược về khoa học công nghệ và sáng tạo đổi mới của quốc gia.
Động lực của sự đổi mới và tiến bộ là phải là nhận thức nhu cầu tự thân của từng cá nhân, tổ chức và mỗi quốc gia. Khi có động cơ để đổi mới, con người và tổ chức sẽ đem hết tất cả năng lực của mình để thực hiện đổi mới và đạt được thành công.
Bài học để đổi mới và tái tạo thành công là phải dứt khoát bỏ đi những gì đã cản trở nhận thức đổi mới của chúng ta, hình thành hệ thống đổi mới và sáng tạo quốc gia, tạo ra những giá trị và quy tắc mới để thành công trong tình hình toàn cầu hoá hiện nay và từ đó xây dựng năng lực cạnh tranh của đất nước.
Khi cá chép vượt vũ môn để hoá rồng, nó cần phải nhả bỏ viên ngọc quý chính là hệ giá trị cũ ngoại thân đã mang theo mình trước đó và phải dùng hết sức lực bơi vượt lên dòng thác nước ngược, tạo nên sức mạnh nội tại của hệ giá trị mới, hoá rồng thành công. Cá chép nào không làm được hai điều này sẽ không thể hoá rồng, và mãi mãi vẫn chỉ là cá chép mà thôi.
Câu hỏi chính là cá chép có muốn hoá rồng hay không?
SG 03.2011

Labels: , , , ,

0 Comments:

Post a Comment

<< Home