BLUE STRATEGY GROUP

Strategy :: Technology :: Organization :: Innovation :: Policy

Wednesday, February 22, 2012

TÁI CẤU TRÚC ĐẦU TƯ – BÀI TOÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ ĐỂ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG


Hiện nay vấn đề đầu tư dàn trải và thiếu tập trung gây ra các hệ quả rất xấu: hệ số đầu tư ICOR tăng quá cao, các công trình chậm hoàn thành, chất lượng công trình không cao và không đồng bộ để khai thác vận hành có hiệu quả các công trình hạ tầng KTXH thiết yếu. Nguyên nhân gây kém hiệu quả chủ yếu trong đầu tư công được xác định là do thiếu một tư duy tổng thể và sự liên kết hiệu quả giữa các đơn vị thực hiện, thiếu một nhạc trưởng cho cơ chế quản lý đầu tư và một kiến trúc phát triển chiến lược tổng thể lâu dài cho từng vùng, từng lĩnh vực.


Chúng ta đang có các vùng kinh tế được phân theo khu vực với các đặc điểm kinh tế xã hội tương tự nhau: Vùng Thủ Đô, Khu vực TP. HCM, Tây Bắc Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Bắc Bộ, Đông Nam Bộ, Miền Trung và Duyên Hải Miền Trung. Hiện đã có 03 ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc Bộ với nhiệm vụ điều phối các chương trình Quốc gia tại các khu vực chiến lược này. Tuy nhiên do nguyên nhân khách quan và nhận thức, dường như vai trò của các Ban chỉ đạo hiện nay là chưa rõ ràng và hiệu quả điều phối hợp tác liên vùng là chưa cụ thể.

Trong chiến lược phát triển hạ tầng kinh tế xã hội đến năm 2020 có sự tập trung vào các lĩnh vực then chốt để giúp cho sự cất cánh của nền kinh tế. Các hạ tầng KTXH được tập trung ưu tiên đầu tư bao gồm: hạ tầng giao thông, điện và hạ tầng đô thị với yêu cầu đáp ứng cho sự phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế. Đây là những yêu cầu rất khó khăn tuy nhiên vẫn phải thực hiện bằng được nhằm đáp ứng cho yêu cầu phát triển cấp thiết của đất nước khi mà chúng ta đã hội nhập sâu và rộng với thế giới, phải cạnh tranh với các quốc gia và khu vực đã đi trước chúng ta từ rất lâu.

Như vậy yêu cầu đặt ra cấp bách đòi hỏi một tư duy mới về đầu tư phát triển hạ tầng KTXH sao cho nhanh, hiệu quả và bền vững. Về cơ bản, phát triển hiệu quả nghĩa là phát triển theo chiều sâu đòi hỏi phải có tri thức và thông tin đầy đủ và chính xác kịp thời, nghĩa là vai trò của những chuyên gia, cố vấn có hiểu biết sâu sắc trong từng lĩnh vực liên quan. Nếu không có tri thức phù hợp và đầy đủ sẽ không thể có sự phát triển hiệu quả theo chiều sâu. Để phát triển nhanh, vấn đề then chốt là phải tập trung được nguồn lực đầu tư. Khi tập trung được nguồn lực đầu tư, các dự án và công trình sẽ được hoàn thành nhanh chóng với chất lượng cao, sớm đưa vào sử dụng. Sự phát triển bền vững bao hàm sự phát triển thân thiện với môi trường và sự công bằng hợp lý trong việc phân chia nguồn lực và lợi ích.



Nhìn nhận lại sự phát triển sắp tới trong việc tập trung nguồn vốn đầu tư công cho hạ tầng KTXH, cần thấy vai trò rất quan trọng trong việc điều phối và giám sát thực hiện quy hoạch chiến lược của các Ban Chỉ đạo phát triển cấp Vùng như Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc Bộ hay Vùng Thủ Đô và Vùng TP.HCM. Các Ban Chỉ đạo cần là nơi tập trung phân bổ và điều phối có hiệu quả nguồn lực đầu tư trong các lĩnh vực về hạ tầng KTXH theo nguyên tắc: hiệu quả đầu tư, tập trung nguồn lực và công bằng hợp lý. 

Theo kinh nghiệm quản lý đầu tư công của các nước như Mỹ, Nga để thực hiện các việc này, cần có một Cơ chế quản lý phân bổ nguồn lực và giám sát thực hiện bao gồm các thành viên đại diện cho quyền lợi của các Vùng kinh tế, đại diện của chính phủ trong việc xây dựng và triển khai quy hoạch chiến lược quốc gia. Như vậy cơ chế này sẽ bảo đảm cho tính hiệu quả và tính chiến lược trong việc thực hiện các chương trình và dự án đầu tư. Các dự án đầu tư hạ tầng KTXH như giao thông, thuỷ lợi, đô thị đều cầu đến nguồn vốn đầu tư rất lớn, nếu thiếu cơ chế bình xét, giám sát ngang cấp sẽ dễ dàng dẫn đến đầu tư cục bộ, thiếu hiệu quả. Khi tập trung đầu tư có trọng điểm, các công trình đầu tư sẽ phải manh tính đồng bộ rất cao, kích thích sự phát triển của từng vùng và phân bố đều hơn đem lại hiệu quả đầu tư tổng thể cao nhất.

Về nguồn vốn đầu tư, trước đây chúng ta vẫn tận dụng nguồn vốn đầu tư phát triển trái phiếu cho các chương trình hạ tầng xã hội quan trọng như y tế, giáo dục, thuỷ lợi và giao thông nông thôn. Do đặc điểm nguồn vốn trái phiếu là lãi suất rất cao và thời hạn nợ khá dài, do đó khả năng huy động vốn trái phiếu công là rất có hạn và chỉ nên tập trung cho các chương trình cấp bách và thiết yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Với các chương trình thuỷ lợi và giao thông nông thôn là hạng mục đầu tư rất lớn và lâu dài, có khả năng thu hồi vốn đầu tư rõ ràng chúng ta nên sử dụng các nguồn vốn phát triển khác thông qua hình thức hợp tác đầu tư PPP trong nước và Quốc tế để tận dụng tối đa nguồn vốn tư nhân trong các lĩnh vực này, tất nhiên các nhà đầu tư cần phải có lợi nhuận hợp lý và rõ ràng để có thể yên tâm hợp tác đầu tư lâu dài.

Tác hại của việc đầu tư dàn trải, manh mún lên nền kinh tế là quá rõ ràng và được nhận thấy từ lâu. Do đó, chúng ta cần một tư duy mới về đầu tư và đánh giá hiệu quả đầu tư tổng thể. Theo kinh nghiệm quốc tế về đầu tư công, các dự án đầu tư, các chương trình quốc gia cần được đánh giá trên cơ sở tổng chi phí đầu tư và hiệu quả kinh tế xã hội tổng thể (Total Benefit/Cost Anaysis). Nghĩa là một dự án đầu tư cần phải được xem xét hết tất các yếu tố liên quan bao gồm KTXH, môi trường, nhân lực, công nghệ , định lượng hiệu quả tác động tổng thể của dự án. Theo nguyên tắc đánh giá giá này, các chương trình càng kéo dài, đầu tư manh mún sẽ trở kém hiệu quả một cách rõ ràng nhất. Thông qua hiệu quả đầu tư của các chương trình, dự án chiến lược thì hiệu quả tổng thể của nền kinh tế sẽ được nâng cao, tức là hệ số ICOR của toàn xã hội sẽ tốt lên rất nhiều. 

Hiện nay chúng ta có rất nhiều quy hoạch ngành nhưng chưa có các quy hoạch tổng thể cấp vùng, quy hoạch chiến lược và quy hoạch tổng thể hợp nhất. Nguyên nhân là chúng ta chưa có các đơn vị tư vấn chiến lược hợp nhất có năng lực và quy mô tổ chức phù hợp. Các đơn vị tư vấn chiến lược tổng thể cần phải được tập trung đủ số lượng cần thiết (có thể lên đến hàng ngàn cán bộ chuyên gia trong các đơn vị tư vấn chiến lược cấp quốc gia) để có thể đảm nhiệm các dự án tư vấn cấp quốc gia, cấp vùng có quy hoạch lớn, đa ngành và phức tạp, cần có đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm và chuyên gia tư vấn đầu ngành cần thiết. Các đơn vị tư vấn quy hoạch chiến lược hợp nhất cần có vai trò Kiến trúc sư trưởng của các dự án quy hoạch chiến lược hợp nhất tương tự mô hình các đơn vị tư vấn quốc tế. Trong lĩnh vực này, chúng ta cần thông qua hợp tác quốc tế để học hỏi nhanh kinh nghiệm và xây dựng năng lực thông qua hợp tác với các đơn vị tư vấn và quy hoạch quốc gia của Pháp, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc. Đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư cho phát triển tri thức, sẽ đem lại hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, việc quy hoạch chiến lược hợp nhất chỉ là một phần của vấn đế. Việc quan trọng nhất chính là thực hiện và giám sát thực hiện các quy hoạch chiến lược này. Việc thực hiện quy hoạch chiến lược bao gồm nghệ thuật phân bổ và huy động nguồn vốn của các Ban quản lý dự án và Ban chỉ đạo chương trình sao cho thực hiện phải đúng hạn để đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất. Một vấn đề rất lớn trong công tác quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương đã được thực hiện trước đây là chúng ta có rất nhiều quy hoạch ngành nhưng việc phân bổ nguồn vốn đầu tư cần thiết là không thấy rõ do đó quy hoạch đó cũng không có tác dụng cụ thể, hơn nữa khá nhiều quy hoạch mang tính cục bộ và không khả thi. 

Một vấn đề rất quan trọng và khó khăn trong việc thực hiện các quy hoạch chiến lược tổng thể hợp nhất chính là sự cam kết và tuân thủ quy hoạch, thực hiện đúng quy hoạch và sự đồng bộ trong thực hiện các quy hoạch. Thực chất, đây chính là thể hiện của ý chí thực hiện các nhiệm vụ chiến lược để đem lại hiệu quả trong sự phát triển KTXH chung cho toàn thể cộng đồng. Nếu không làm được điều này, sẽ không thể đạt được những mục tiêu chiến lược phát triển KTXH cấp Vùng và Khu vực là nơi phải có sự liên kết chia xẻ quyền lợi của các thành viên.


Với cách tập trung nguồn vốn đầu tư, phân bổ công bằng hợp lý nguồn vốn giữa các tỉnh, khu vực thì hiệu quả đầu tư cho các chương trình hạ tầng KTXH sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Trong các dự án đầu tư, chương trình chiến lược, với kinh nghiệm và tri thức tích luỹ trong nhiều năm triển khai thực hiện, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư cố vấn sẽ là nguồn động lực và đổi mới sáng tạo hiệu quả nhất. Vai trò của lực lượng trí thức này là rất quan trọng và mang tính quyết định trong việc phát triển theo chiều sâu, là sự phát triển đòi hỏi rất nhiều tri thức, kinh nghiệm và sự hợp tác chia xẻ thông tin. Với cách tư duy mới, cách làm mới chúng ta sẽ có hiệu quả đầu tư ICOR tốt nhất, giải quyết được bài toán khó: phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững./.

SG.2012

Labels: , , , ,

0 Comments:

Post a Comment

<< Home