BLUE STRATEGY GROUP

Strategy :: Technology :: Organization :: Innovation :: Policy

Friday, February 24, 2012

NHẬN THỨC MỚI VỀ PHÁT TRIỂN VÀ TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ



Một sự đồng thuận chung hiện nay về nhận thức sự phát triển bền vững của các quốc gia chính là sự cân bằng trong phát triển và hiệu quả chung của nền kinh tế. Đây là nhận thức mới về hiện trạng và định hình xu hướng phát triển của các quốc gia. Theo lý thuyết trước đây, phát triển kinh tế xã hội được đo bằng tăng trưởng GDP hàng năm, tức là đo lường mức độ giao dịch và tận dụng tài nguyên, do đó sẽ không thể đánh giá được hiệu quả thực sự của chỉ số tăng trưởng. Lý luận phát triển cổ điển theo mô hình kinh tế công nghiệp cũ này có gốc rễ sâu xa dựa trên giả thuyết là tài nguyên thiên nhiên là vô hạn, có thể tái tạo và nguồn lực con người là khan hiếm. Về thực chất, đây là mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, trái ngược với sự phát triển bền vững theo chiều sâu.


Ngược lại, chúng ta đều biết rõ các nguồn tài nguyên thiên nhiên là không thể tái tạo khi đã sử dụng như than đá, dầu hỏa… chính là những nguồn năng lượng chính cho sự phát triển công nghiệp hóa của loài người cho đến nay. Đầu thế kỷ 20 loài người chỉ có khoảng  1 tỷ người thì sắp tới trên trái đất sẽ có khoảng 10 tỷ người chung sống, sẽ là một nguồn nhân lực gần như vô hạn! Các nguồn tài nguyên thiên nhiên được dự báo sẽ rất sớm bị cạn kiệt do nhu cầu quá lớn. Hiện nay các nguồn năng lượng tái sinh chỉ cung cấp chưa đến 40% nhu cầu năng lượng chung. Các nguồn năng lượng khác như đá khí mêtan đưới đáy biển có chi phí sản xuất sẽ rất cao do độ sâu khai thác lớn và tốn chi phí vận chuyển. Do đó, cần phải giảm bớt tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch và tăng cường dùng các nguồn năng lượng tái tạo mới như địa nhiệt, phong điện… hướng đến sự cân bằng tổng thể trong tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế.

Đặt sự phát triển của Việt Nam trong sự phát triển chung của thế giới, chúng ta cần nhận thức lại một số nền tảng cơ bản và xây dựng một học thuyết phát triển cho đất nước. Học thuyết phát triển mới cần đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia, xác định ra một vị thế quốc gia để đem lại giá trị  và tự hào dân tộc cho mỗi người Việt Nam. Chúng ta cần một chủ thuyết phát triển đem lại sự cân bằng giữa phát triển và bền vững, giữa dân giàu nước mạnh và xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Sự phát triển bền vững phải bao gồm sự hiệu quả của nền kinh tế, không gây tổn hại đến môi trường và hòa nhập với cộng đồng kinh tế toàn cầu nhằm đem lại lợi ích đôi bên lâu dài cho các quốc gia, hình thành một hệ sinh thái kinh tế hợp tác toàn cầu bền vững và hiệu quả.

 

Các nguồn tài nguyên tự nhiên như dầu lửa, than đá, khí đốt cần phải biến thành các sản phẩm đầu vào công nghiệp, được sử dụng và tái tạo nhiều lần. Theo nhà hóa học vĩ đại người Nga Dmitri Mendeleev, người phát minh ra bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học, thì việc đem đốt cháy các sản phẩm này là một sự lãng phí tuyệt đối nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam cũng có các nguồn dầu mỏ, than, khí… hiện chỉ được đem dùng làm chất đốt là rất lãng phí. Các nguồn tài nguyên này cần được đưa vào làm nguồn nguyên liệu cho các ngành hóa chất, hóa dầu để chế biến sâu đem lại các sản phẩm cao cấp như tơ sợi nhân tạo, composit, hóa chất công nghiệp… để thực hiện những việc này cần có tri thức và công nghệ từ đó hình thành sự phát triển theo chiều sâu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay chúng ta đang xuất thô các nguồn tài nguyên quốc gia một cách rất lãng phí. Sắp tới các nguồn nguyên liệu sẽ có giá cả ngày càng tăng do nhu cầu của thế giới là rất lớn trong khi các nguồn cung ngày càng ít và khó khai thác.

Nhận thức mới về sự phát triển là phải giảm sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng không tái sinh và sử dụng rất tối ưu các nguồn năng lượng hiện có. Nhất thiết phải tăng cường hiệu suất sử dụng năng lượng công nghiệp nói chung, tiết giảm các ngành tiêu thụ năng lượng cao và kém hiệu quả như nấu luyện thép, xi măng. Các ngành công nghiệp hiện dùng tới hơn 80% nguồn năng lượng quốc gia, có mức tiêu thụ năng lượng bình quân cao hơn 30% các nước ASEAN. Nghĩa là hàng năm chúng ta đang mất khoảng 24% trong tổng nguồn cung năng lượng quốc gia, đây là một con số thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Mặt khác, do giá cả năng lượng quá thấp cũng không tạo động lực tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng trong toàn bộ nền kinh tế, là một yếu tố làm giảm tăng trưởng bền vững.
Tốc độ tăng trưởng bền vững tối ưu của Việt Nam cần vào khoảng 6% là phù hợp. 

Với tốc độ phát triển vừa phải ta sẽ có hiệu quả sử dụng nguồn vốn tối ưu nhất và làm giảm áp lực phải huy động nguồn vốn đầu tư quá lớn. Trong thời gian sắp tới, các quốc gia đang phát triển sẽ phải cạnh tranh nhau gay gắt để có nguồn vốn phát triển kinh tế. Quốc gia nào có hiệu quả sử dụng vốn tối ưu sẽ giành được nhiều ưu thế. Trong khả năng đầu tư tối đa vào khoảng 36% GDP và nếu phân bổ tốt nguồn vốn thì hiệu quả chung nền kinh tế sẽ đạt được ICOR=6 thì tăng trưởng GDP khoảng 6% là hoàn toàn khả thi. Với tốc độ tăng trưởng 6% chúng ta sẽ đảm bảo được vấn đề xã hội rất quan trọng là vấn đề tạo việc làm. Mặt khác, với việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động, cũng sẽ làm giảm áp lực tạo việc làm hàng năm. Lực lượng xuất khẩu lao động cũng sẽ đem lại nguồn kiều hối hàng năm rất lớn. Như vậy, việc xuất khẩu lao động cần được nhìn nhận một cách chính thức là một ngành kinh tế mũi nhọn cần được đầu tư và phát triển một cách lâu dài và có chiến lược phù hợp với việc tạo và giữ thương hiệu lao động Việt Nam, chất lượng lao động, hoàn thiện hệ thống đào tạo lao động xuất khẩu.

Một yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chung của nền kinh tế chính là hiệu quả của hệ thống hành chính và vai trò của nhà nước. Đề án 30 về cải cách hành chính cần phải có sự đột phá trong tư duy nhằm đem lại một chính quyền hiệu quả và là động lực hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội. Thực chất, chính sự kém hiệu quả của hệ thống hành chính là yếu tố làm ICOR (hệ số sử dụng vốn đầu tư) của Việt Nam hiện nay rất cao, khi toàn thể xã hội bị níu kéo bởi một hệ thống hành chính chậm chạp và quá phức tạp. Chúng ta cần tham khảo các mô hình quản trị nhà nước hiệu quả của Anh, Pháp, Singapore, Hongkong, Úc để học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn thí điểm áp dụng cải cách hành chính toàn diện tại Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bình Dương, Phú Quốc, Dung Quất để đánh giá kết quả. Trên cơ sở đó hình thành một thể chế chính quyền kiến tạo phát triển cho quốc gia. Để làm được việc này cần có đột phá tư duy mạnh mẽ, cần phải xây dựng một nền hành chính hiệu quả dựa trên cơ sở quản trị hiện đại và tinh gọn, từ đó xây dựng một chính quyền điện tử mạnh và chính phủ điện tử hiệu quả. Trung Quốc cũng đã có khá nhiều kinh nghiệm xây dựng chính quyền mạnh và hiệu quả tại Bắc Kinh, Thượng Hải.

Lãng phí mang tính hệ thống khác là khối Tập đoàn kinh tế và DNNN đang nắm giữ 65% nguồn lực quốc gia, hiện có hiệu suất sử dụng nguồn vốn thấp, có thể nói là hiệu quả kinh tế âm với chỉ có vài DNNN là thực sự có chỉ số hiệu quả kinh tế EVA (Economic Value Added) dương. Do đó rất cấp thiết phải xác định các yếu tố then chốt để tái cấu trúc khối DNNN theo hướng hiệu quả, tinh gọn, hiện đại, năng lực cạnh tranh cao, có khả năng dẫn dắt chiến lược kinh tế quốc gia. Các DNNN còn phải là nơi dẫn đầu trong việc áp dụng khoa học công nghệ, sáng tạo đổi mới để có năng lực phát triển theo chiều sâu. Các nhiệm vụ cụ thể là phải hình thành sản phẩm thương hiệu quốc gia cho các nguồn lực mà DNNN đang quản lý bao gồm: dầu mỏ,khoáng sản, than đá, cà phê, cao su, lúa gạo… Khối DNNN này trước hết phải làm được công tác quản lý giá cả xuất khẩu thông qua các thông tin kịp thời về sản xuất trong nước và dự báo tốt xu hướng nhu cầu thế giới, đó chính là những tri thức và hiểu biết sâu sắc về thị trường. Định hướng chung là đến năm 2020 chúng ta sẽ có nền kinh tế phát triển hoàn thiện và cân bằng XNK. Mục tiêu chiến lược đó chỉ có thể đạt được khi tăng cường giá trị các sản phẩm xuất khẩu để cân bẳng với nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cho đầu vào nền kinh tế và có tiền để trả nợ ODA, FDI.

Một nhận thức mới để phát triển chính là thị trường nội địa sẽ có gần 100 triệu khách hàng, đây là một thị trường tiêu thụ khá lớn và dễ tính bên cạnh các thị trường nước ngoài đang ngày càng khó khăn hơn. Các tập đoàn nước ngoài cũng đang tăng tốc khai thác thị trường Việt Nam khi sắp đến thời hạn phải mở cửa thị trường nội địa cho các sản phẩm và dịch vụ quốc tế theo các cam kết gia nhập WTO. Sự phát triển thị trường trong nước chính là sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, cân bằng các thị trường để không quá lệ thuộc  vào các thị trường nước ngoài. Trong các thị trường xuất khẩu, các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Đông Âu, Trung Đông sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt hơn các thị trường cũ như EU, Mỹ, Nhật… Các thị trường mới này đòi hỏi doanh nghiệp phải làm tốt hơn các công tác tiếp thị, có sản phẩm phù hợp và phải có các đối tác kinh doanh tin cậy. Khi giải quyết được các vấn đề này thì hiệu quả sẽ rất lớn khi mở ra một thị trường và hướng phát triển mới.

Các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, chè, lúa gạo, trái cây, thuỷ hải sản… cần được chế sâu hơn thành các sản phẩm có thương hiệu lớn để đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay, chỉ khoảng 10% các sản phẩm nông sản là được chế biến sâu và có thương hiệu. Còn lại là chủ yếu xuất thô với giá trị kinh tế không cao, cũng không kiểm soát được giá cả và thị trường tiêu thụ. Cần xem  xét các sản phẩm này là đầu vào cho các ngành kinh tế chế biến, tạo ra sản phẩm nông nghiệp cao cấp có tầm thương hiệu quốc gia như: Hoa tuylip Hà Lan, Gạo thơm Thái Lan, Chè đen Sri Lanka, Rượu vang Pháp, Chuối Bahamas…

Nông nghiệp hiện đại và bền vững được nhìn nhận là một nền nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường, không lạm dụng các hoá chất và sử dụng thuốc trừ sâu một cách bừa bãi. Các sản phẩm nông nghiệp sinh thái có giá trị cao đều không dùng hoá chất độc hại mà sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện môi trường. Các trang trại qui mô nhỏ, có nhiều nông dân am hiểu về công nghệ nông nghiệp sinh thái sẽ có nhiều ưu thế để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sinh thái cao cấp đạt được GlobalGAP. Các quy trình sản xuất nông nghiệp sinh thái không yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn, tuy nhiên cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sản xuất sạch, bảo vệ môi trường và kiểm soát truy nguyên nguồn gốc nông sản. Các sản phẩm nông nghiệp sinh thái đều có giá trị kinh tế rất cao và thị trường tiêu thụ ngày càng lớn. Theo Tiến sĩ nông học Nguyễn Quốc Vọng, các trang trại lớn với sản phẩm thâm canh và các sản phẩm biến đổi gien sẽ rất khó chen chân vào các thị trường cao cấp như Nhật, EU. Thậm chí các quốc gia này sẽ không cho phép các nông sản chế biến liên quan biến đổi gien được nhập khẩu. Việt Nam với chiến lược sản phẩm nông nghiệp sinh thái giá trị cao sẽ rất bất lợi nếu các sản phẩm nông nghiệp bị xem là có các thành phần biến đổi gien, thậm chí có thể bị cấm nhập khẩu vào các thị trường này như một số sự việc đã xảy ra khi Nhật cấm nhập khẩu bánh tráng Việt Nam bị phát hiện có dùng bột bắp biến đổi gien.

Về bản chất, sự phát triển theo chiều sâu chính là nền tảng của phát triển bền vững. Sự phát triển theo chiều sâu đòi hỏi phải sử dụng tri thức nhiều hơn là nguồn vốn, cần có những hiểu biết hoàn chỉnh và thông tin chính xác, với vai trò quyết định của các chuyên gia và trí thức đầu ngành. Những yếu tố này gắn bó mật thiết với việc sử dụng thông tin và ứng dụng hiệu quả CNTT và truyền thông trong toàn xã hội. Để phát triển theo chiều sâu, kinh nghiệm từ các quốc gia như Nhật, Pháp, Đức, Mỹ, Thuỵ Điển đó chính là vai trò của tri thức trong nền kinh tế. Những tri thức về công nghệ, quản trị, những chuyên gia đầu ngành đã hình thành nên những sản phẩm công nghệ cao, hệ thống quản trị hiệu quả. Nòng cốt của nền kinh tế tri thức chính là những doanh nghiệp có năng lực đổi mới và sử dụng có hiệu quả tài nguyên tri thức, là hệ thống viện nghiên cứu và các trường đại học đào tạo ra trí thức và cung cấp môi trường nghiên cứu cần thiết. Đỉnh cao tri thức của mỗi quốc gia chính là Viện Hàn Lâm Quốc Gia, nơi tập hợp trí thức tinh hoa hàng đầu, là nguồn gốc của những tư tưởng lớn và trí tuệ kiệt xuất, đem lại niềm tự hào dân tộc như Viện Hàn Lâm Quốc Gia Anh, Pháp, Nga, Thuỵ Điển. Như vậy, Viện Hàn Lâm Quốc Việt Nam sẽ là nơi tập hợp trí tuệ hàng đầu của đất nước, đóng vai trò nhận thức và phản biện cho những vấn đề then chốt mang tầm chiến lược quốc gia và đó sẽ là biểu tượng mới của tri thức và trí tuệ Việt Nam. 

Các nhà khoa học Việt Nam đã có vai trò rất lớn trong việc đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Thành quả của nền kinh tế nông nghiệp hiện nay chính là nhờ công sức của rất nhiều thế hệ nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam khởi đầu từ giữa những năm 1950 của thế kỷ trước. Các thành tích quốc tế của ngành toán học, vật lý, y học… gần đây cũng đã cho thấy tiềm năng rất lớn của trí thức Việt Nam. Những kết quả tốt đẹp này chính là từ tầm nhìn chiến lược và sáng suốt của các nhà lãnh đạo trước đây, trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn đã đầu tư một cách có hệ thống vào các ngành khoa học và các thế hệ những nhà khoa học đầu ngành. Chúng ta đang có những tập đoàn xây dựng, dầu khí, viễn thông, hàng không, du lịch thuộc nhóm đầu khu vực và thế giới, đó chính là những nền tảng quan trọng để phát triển và làm chủ kinh tế quốc gia. Những doanh nghiệp này đều có thành tích tốt trong việc sử dụng tri thức, áp dụng công nghệ cao và có hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả.

Trong sự phát triển của các quốc gia với các điều kiện khách quan và môi trường toàn cầu đã thay đổi một cách căn bản và được liên kết hệ thống chặt chẽ với nhau qua các thể chế kinh tế chính trị đa dạng và ngày càng phức hợp, Việt Nam cần tận dụng tối ưu các nguồn lực và ưu thế để tìm cho mình một con đường phát triển bền vững, giữ được độc lập chủ quyền kinh tế trong sự hoà hợp và kết nối toàn cầu hoá. Người Việt Nam thông minh, khéo léo và dũng cảm cần tìm cho mình một vị thế phù hợp trong một thế giới hiện đại đang phát triển nhanh chóng. Để làm được việc đó, chúng ta cần xác định cho mình một học thuyết để phát triển, một động lực để phát triển đó chính là sự phát triển bền vững của chính đất nước Việt Nam và chúng ta có niềm tin và hy vọng về một sự hoá rồng của đất nước. 

SG.02.2012

Labels: , , , , , , ,

Wednesday, February 22, 2012

TÁI CẤU TRÚC ĐẦU TƯ – BÀI TOÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ ĐỂ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG


Hiện nay vấn đề đầu tư dàn trải và thiếu tập trung gây ra các hệ quả rất xấu: hệ số đầu tư ICOR tăng quá cao, các công trình chậm hoàn thành, chất lượng công trình không cao và không đồng bộ để khai thác vận hành có hiệu quả các công trình hạ tầng KTXH thiết yếu. Nguyên nhân gây kém hiệu quả chủ yếu trong đầu tư công được xác định là do thiếu một tư duy tổng thể và sự liên kết hiệu quả giữa các đơn vị thực hiện, thiếu một nhạc trưởng cho cơ chế quản lý đầu tư và một kiến trúc phát triển chiến lược tổng thể lâu dài cho từng vùng, từng lĩnh vực.


Chúng ta đang có các vùng kinh tế được phân theo khu vực với các đặc điểm kinh tế xã hội tương tự nhau: Vùng Thủ Đô, Khu vực TP. HCM, Tây Bắc Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Bắc Bộ, Đông Nam Bộ, Miền Trung và Duyên Hải Miền Trung. Hiện đã có 03 ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc Bộ với nhiệm vụ điều phối các chương trình Quốc gia tại các khu vực chiến lược này. Tuy nhiên do nguyên nhân khách quan và nhận thức, dường như vai trò của các Ban chỉ đạo hiện nay là chưa rõ ràng và hiệu quả điều phối hợp tác liên vùng là chưa cụ thể.

Trong chiến lược phát triển hạ tầng kinh tế xã hội đến năm 2020 có sự tập trung vào các lĩnh vực then chốt để giúp cho sự cất cánh của nền kinh tế. Các hạ tầng KTXH được tập trung ưu tiên đầu tư bao gồm: hạ tầng giao thông, điện và hạ tầng đô thị với yêu cầu đáp ứng cho sự phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế. Đây là những yêu cầu rất khó khăn tuy nhiên vẫn phải thực hiện bằng được nhằm đáp ứng cho yêu cầu phát triển cấp thiết của đất nước khi mà chúng ta đã hội nhập sâu và rộng với thế giới, phải cạnh tranh với các quốc gia và khu vực đã đi trước chúng ta từ rất lâu.

Như vậy yêu cầu đặt ra cấp bách đòi hỏi một tư duy mới về đầu tư phát triển hạ tầng KTXH sao cho nhanh, hiệu quả và bền vững. Về cơ bản, phát triển hiệu quả nghĩa là phát triển theo chiều sâu đòi hỏi phải có tri thức và thông tin đầy đủ và chính xác kịp thời, nghĩa là vai trò của những chuyên gia, cố vấn có hiểu biết sâu sắc trong từng lĩnh vực liên quan. Nếu không có tri thức phù hợp và đầy đủ sẽ không thể có sự phát triển hiệu quả theo chiều sâu. Để phát triển nhanh, vấn đề then chốt là phải tập trung được nguồn lực đầu tư. Khi tập trung được nguồn lực đầu tư, các dự án và công trình sẽ được hoàn thành nhanh chóng với chất lượng cao, sớm đưa vào sử dụng. Sự phát triển bền vững bao hàm sự phát triển thân thiện với môi trường và sự công bằng hợp lý trong việc phân chia nguồn lực và lợi ích.



Nhìn nhận lại sự phát triển sắp tới trong việc tập trung nguồn vốn đầu tư công cho hạ tầng KTXH, cần thấy vai trò rất quan trọng trong việc điều phối và giám sát thực hiện quy hoạch chiến lược của các Ban Chỉ đạo phát triển cấp Vùng như Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc Bộ hay Vùng Thủ Đô và Vùng TP.HCM. Các Ban Chỉ đạo cần là nơi tập trung phân bổ và điều phối có hiệu quả nguồn lực đầu tư trong các lĩnh vực về hạ tầng KTXH theo nguyên tắc: hiệu quả đầu tư, tập trung nguồn lực và công bằng hợp lý. 

Theo kinh nghiệm quản lý đầu tư công của các nước như Mỹ, Nga để thực hiện các việc này, cần có một Cơ chế quản lý phân bổ nguồn lực và giám sát thực hiện bao gồm các thành viên đại diện cho quyền lợi của các Vùng kinh tế, đại diện của chính phủ trong việc xây dựng và triển khai quy hoạch chiến lược quốc gia. Như vậy cơ chế này sẽ bảo đảm cho tính hiệu quả và tính chiến lược trong việc thực hiện các chương trình và dự án đầu tư. Các dự án đầu tư hạ tầng KTXH như giao thông, thuỷ lợi, đô thị đều cầu đến nguồn vốn đầu tư rất lớn, nếu thiếu cơ chế bình xét, giám sát ngang cấp sẽ dễ dàng dẫn đến đầu tư cục bộ, thiếu hiệu quả. Khi tập trung đầu tư có trọng điểm, các công trình đầu tư sẽ phải manh tính đồng bộ rất cao, kích thích sự phát triển của từng vùng và phân bố đều hơn đem lại hiệu quả đầu tư tổng thể cao nhất.

Về nguồn vốn đầu tư, trước đây chúng ta vẫn tận dụng nguồn vốn đầu tư phát triển trái phiếu cho các chương trình hạ tầng xã hội quan trọng như y tế, giáo dục, thuỷ lợi và giao thông nông thôn. Do đặc điểm nguồn vốn trái phiếu là lãi suất rất cao và thời hạn nợ khá dài, do đó khả năng huy động vốn trái phiếu công là rất có hạn và chỉ nên tập trung cho các chương trình cấp bách và thiết yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Với các chương trình thuỷ lợi và giao thông nông thôn là hạng mục đầu tư rất lớn và lâu dài, có khả năng thu hồi vốn đầu tư rõ ràng chúng ta nên sử dụng các nguồn vốn phát triển khác thông qua hình thức hợp tác đầu tư PPP trong nước và Quốc tế để tận dụng tối đa nguồn vốn tư nhân trong các lĩnh vực này, tất nhiên các nhà đầu tư cần phải có lợi nhuận hợp lý và rõ ràng để có thể yên tâm hợp tác đầu tư lâu dài.

Tác hại của việc đầu tư dàn trải, manh mún lên nền kinh tế là quá rõ ràng và được nhận thấy từ lâu. Do đó, chúng ta cần một tư duy mới về đầu tư và đánh giá hiệu quả đầu tư tổng thể. Theo kinh nghiệm quốc tế về đầu tư công, các dự án đầu tư, các chương trình quốc gia cần được đánh giá trên cơ sở tổng chi phí đầu tư và hiệu quả kinh tế xã hội tổng thể (Total Benefit/Cost Anaysis). Nghĩa là một dự án đầu tư cần phải được xem xét hết tất các yếu tố liên quan bao gồm KTXH, môi trường, nhân lực, công nghệ , định lượng hiệu quả tác động tổng thể của dự án. Theo nguyên tắc đánh giá giá này, các chương trình càng kéo dài, đầu tư manh mún sẽ trở kém hiệu quả một cách rõ ràng nhất. Thông qua hiệu quả đầu tư của các chương trình, dự án chiến lược thì hiệu quả tổng thể của nền kinh tế sẽ được nâng cao, tức là hệ số ICOR của toàn xã hội sẽ tốt lên rất nhiều. 

Hiện nay chúng ta có rất nhiều quy hoạch ngành nhưng chưa có các quy hoạch tổng thể cấp vùng, quy hoạch chiến lược và quy hoạch tổng thể hợp nhất. Nguyên nhân là chúng ta chưa có các đơn vị tư vấn chiến lược hợp nhất có năng lực và quy mô tổ chức phù hợp. Các đơn vị tư vấn chiến lược tổng thể cần phải được tập trung đủ số lượng cần thiết (có thể lên đến hàng ngàn cán bộ chuyên gia trong các đơn vị tư vấn chiến lược cấp quốc gia) để có thể đảm nhiệm các dự án tư vấn cấp quốc gia, cấp vùng có quy hoạch lớn, đa ngành và phức tạp, cần có đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm và chuyên gia tư vấn đầu ngành cần thiết. Các đơn vị tư vấn quy hoạch chiến lược hợp nhất cần có vai trò Kiến trúc sư trưởng của các dự án quy hoạch chiến lược hợp nhất tương tự mô hình các đơn vị tư vấn quốc tế. Trong lĩnh vực này, chúng ta cần thông qua hợp tác quốc tế để học hỏi nhanh kinh nghiệm và xây dựng năng lực thông qua hợp tác với các đơn vị tư vấn và quy hoạch quốc gia của Pháp, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc. Đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư cho phát triển tri thức, sẽ đem lại hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, việc quy hoạch chiến lược hợp nhất chỉ là một phần của vấn đế. Việc quan trọng nhất chính là thực hiện và giám sát thực hiện các quy hoạch chiến lược này. Việc thực hiện quy hoạch chiến lược bao gồm nghệ thuật phân bổ và huy động nguồn vốn của các Ban quản lý dự án và Ban chỉ đạo chương trình sao cho thực hiện phải đúng hạn để đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất. Một vấn đề rất lớn trong công tác quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương đã được thực hiện trước đây là chúng ta có rất nhiều quy hoạch ngành nhưng việc phân bổ nguồn vốn đầu tư cần thiết là không thấy rõ do đó quy hoạch đó cũng không có tác dụng cụ thể, hơn nữa khá nhiều quy hoạch mang tính cục bộ và không khả thi. 

Một vấn đề rất quan trọng và khó khăn trong việc thực hiện các quy hoạch chiến lược tổng thể hợp nhất chính là sự cam kết và tuân thủ quy hoạch, thực hiện đúng quy hoạch và sự đồng bộ trong thực hiện các quy hoạch. Thực chất, đây chính là thể hiện của ý chí thực hiện các nhiệm vụ chiến lược để đem lại hiệu quả trong sự phát triển KTXH chung cho toàn thể cộng đồng. Nếu không làm được điều này, sẽ không thể đạt được những mục tiêu chiến lược phát triển KTXH cấp Vùng và Khu vực là nơi phải có sự liên kết chia xẻ quyền lợi của các thành viên.


Với cách tập trung nguồn vốn đầu tư, phân bổ công bằng hợp lý nguồn vốn giữa các tỉnh, khu vực thì hiệu quả đầu tư cho các chương trình hạ tầng KTXH sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Trong các dự án đầu tư, chương trình chiến lược, với kinh nghiệm và tri thức tích luỹ trong nhiều năm triển khai thực hiện, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư cố vấn sẽ là nguồn động lực và đổi mới sáng tạo hiệu quả nhất. Vai trò của lực lượng trí thức này là rất quan trọng và mang tính quyết định trong việc phát triển theo chiều sâu, là sự phát triển đòi hỏi rất nhiều tri thức, kinh nghiệm và sự hợp tác chia xẻ thông tin. Với cách tư duy mới, cách làm mới chúng ta sẽ có hiệu quả đầu tư ICOR tốt nhất, giải quyết được bài toán khó: phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững./.

SG.2012

Labels: , , , ,