BLUE STRATEGY GROUP

Strategy :: Technology :: Organization :: Innovation :: Policy

Tuesday, January 26, 2016

TPP: Góc nhìn "tỉnh táo" cho Việt Nam từ chuyên gia quốc tế



(Vietnamnet): Đàm phán Hiệp định hợp tác Thương mại Thái Bình Dương TPP vừa kết thúc. Đây sẽ là dấu mốc lịch sử mới cho hoạt động thương mại toàn cầu, đồng thời mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Phóng viên Tuần Việt Nam trò chuyện với TS. Andrew Wells-Dang, hiện là cố vấn cấp cao của Tổ chức Oxfam Việt Nam.

TPP sẽ mở rộng quyền lực độc quyền
Hoàng Hường: Đàm phán TPP vừa diễn ra khá căng thẳng thẳng tại Mỹ, từ những thông tin mới nhất, ông nhận định những tình huống mà VN sẽ đón nhận là gì?
Ông Andrew Wells-Dang: Hôm qua 12 quốc gia đã kết thúc đàm phán TPP, tuy nhiên hiệp định chưa thông qua. Các Quốc hội của 12 nước sẽ xem xét trong 3 tháng tới. Khả năng thông qua là lớn, đặc biệt vì Quốc hội Hoa Kỳ không có quyền sửa đổi nội dung, tuy nhiên chưa chắc chắn.

Một điểm quan trọng là sau khi hoàn tất đàm phán, các nước sẽ công bố nội dung của hiệp định. Đến giờ nội dung của TPP vẫn còn là bí mật nên chúng ta chưa biết chi tiết của 29 trong 30 chương. Chắc các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam và các nước khác sẽ phải đọc bản văn rất kỹ trước khi các đại biểu Quốc hội quyết định có thông qua hay không.

TPP, kinh tế, phát triển, nông sản 
 Mặt hàng nông sản và nông dân cần được quan tâm nhất khi VN vào TPP. Ảnh: Hoàng Hường

Khi tham gia FTA nói chung và TPP nói riêng, Việt Nam sẽ phải mở cửa nhanh và mạnh thị trường nội địa của mình cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước đối tác. VN sẽ được/mất gì từ việc mở cửa này?
Tính chất của TPP không phải là FTA. Theo các nhà kinh tế Mỹ như Paul Krugman và Joseph Stiglitz, hầu hết các lợi ích từ tăng cường thương mại và giảm thuế quan đã được hiện thực hóa qua WTO và bình thường hóa quan hệ thương mại rồi. Thay vì hiệp định thương mại tự do, TPP là hiệp định đầu tư quan tâm đến việc chiếm các thị trường đầu tư mới và bảo vệ sở hữu trí tuệ: “Nỗ lực của các doanh nghiệp lớn của Mỹ là để nhằm bảo vệ các khoản đầu tư quốc tế, bằng sáng chế và bản quyền của họ” (John Cassidy, The New Yorker, 16/6/2015*).

Như thế, Việt Nam và các nước đang phát triển khác sẽ phải mở cửa thị trường nội địa của mình trong khi các nước giàu vẫn có cách bảo hộ thị trường của họ (qua các “rào cản kỹ thuật”). Ví dụ đối với ngành y tế  – một trong các lĩnh vực được đàm phán nhiều nhất – TPP sẽ mở rộng quyền lực độc quyền và hạn chế cạnh tranh, đặc biệt về tiếp cận với dược phẩm.

Các công ty dược phẩm tư nhân được phép bán “sở hữu trí tuệ” của họ với giá cao trong thời gian từ 5-8 năm trước khi các nước khác được phép sản xuất dược phẩm cùng chủng loại với giá rẻ hơn. Nhưng nếu một công ty Việt Nam muốn xuất khẩu dược phẩm mới đến Mỹ, họ phải xin giấy phép của Chính phủ Mỹ, và nếu vượt qua rào cản này, chắc các công ty Mỹ sẽ kêu là “bán phá giá”. Đấy là cách các nước giàu bảo vệ thị trường của họ, trong khi kinh tế Việt Nam phải mở toàn bộ cho hàng hóa nhập ngoại (1).

TPP, kinh tế, phát triển, nông sản  
TS. Andrew Wells-Dang. Ảnh: Oxfam
  
Sản phẩm VN cần chú trọng nhất khi vào TPP
Đàm phán TPP, các quốc gia bạn ra sức bảo vệ sản phẩm chủ chốt, Mỹ là dược phẩm, Nhật là ô tô và nông sản, NZ là sữa... Đâu là sản phẩm VN cần phải tích cực bảo vệ? Hoặc là điểm nào VN cần tích cực thay đổi nhất khi tham gia vào cuộc chơi này?

Chắc chắn là ngành nông nghiệp – cơ sở của sinh kế ở các vùng nông thôn và ngành chiến lược trong phát triển bình đẳng. Trong một số lĩnh vực như chăn nuôi, các chuyên gia thấy giá cả ở Việt Nam cao hơn một số đói tác khác như Mỹ, New Zealand. Không chỉ nên hỏi tại sao giá Việt Nam cao mà còn nên hỏi tại sao giá nước ngoài lại rẻ như thế?

Theo TPP, Việt Nam sẽ phải nhận các sản phẩm như thịt gà nhập ngoại có giá rẻ vì sản xuất công nghiệp kiểu mấy nghìn con gà trong một trại, dùng quá nhiều hormones, hóa chất, nuôi bằng ngô biến đổi gen, sử dụng thuốc trừ sâu như glyphosate và thành phần của Chất độc màu da cam (đều do Tập đòan Monsanto sản xuất).

Phần lớn người dân ở Mỹ và Châu Âu không chấp nhận sản phẩm nông nghiệp như thế nên các tập đoàn muốn xuất khẩu đến các nước nghèo hơn. Chưa kể là các chi phí vận chuyển và tác động môi trường, khí hậu vẫn chưa được tính đến.

Vậy trong cuộc chơi này, nhóm đối tượng nào được lợi/tổn thương nhất? Cần chuẩn bị cho họ những gì, thưa ông?
Lợi ích và chi phí của TPP nên tính ở cấp ngành kinh tế, chứ không phải là cấp quốc gia. TPP được thiết kế để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp tại các quốc gia giàu có như Mỹ, Úc, Nhật Bản. Còn ở các nước khác tham gia TPP, một số ngành kinh tế sẽ được lợi, một số ngành khác thì không, và người lao động và nông dân sẽ mất nhiều nhất.

Theo Oxfam (2), các hiệp định đầu tư quốc tế chỉ có thể phát huy tăng trường, giảm nghèo nếu cân nhắc đến lợi ích của người nghèo, nông dân. TPP không theo định hướng lấy giảm nghèo và giảm bất bất bình đẳng là trung tâm, mà tập trung quá nhiều về lợi ích của doanh nghiệp.

Các cơ quan nhà nước nên ưu tiên lợi ích của nhà sản xuất địa phương, quy mô nhỏ, không nên ủng hộ các tập đoàn quốc tế. Như thế mới được gọi là cạnh tranh lành mạnh. Trong thị trường tự do, các tập đoàn vẫn có thể hoạt động, tại sao họ lại cần có hiệp định quốc tế đặc biệt để bảo vệ lợi ích của riêng họ?

Mảng dịch vụ bị coi là điểm yếu của VN, sắp tới, VN nên giải quyết vấn đề này thế nào?
Các doanh nghiệp Việt Nam không nên cạnh tranh về kỹ thuật công nghiệp, vì các đối tác khác luôn sẽ mạnh hơn. Thay vào đó, kinh tế Việt Nam nên cạnh tranh về chất lượng: phát huy thương hiệu, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, và đồng thời bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Có rất nhiều ngành kinh tế không xuất nhập khẩu được, cả dịch vụ và hàng hóa. Ví dụ, phần lớn thị trường thịt gà nội địa vẫn sẽ là gà nuôi bởi các nông hộ như gà ta, thịt gà không qua đông lạnh. Và ngày càng có nhiều người thấy rau hữu cơ thơm ngon hơn rau sản xuất với phân bón hóa học. Như vậy không cần bảo vệ sản phẩm Việt Nam bằng thuế quan nữa.

Các công ty và Chính nên nên phát động chiến dịch “mua nông phẩm Việt Nam” và minh bạch thông tin về thành phần và nguồn gốc của các sản phẩm nông nghiệp. Phát triển kinh tế như vậy sẽ là ổn định, bền vững hơn.

Theo nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam cũng nên “xây dựng cơ chế cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp… liên kết với người nông dân” và “đảm bảo hiệp hội phải có đại diện đầy đủ của doanh nghiệp tư nhân, chính quyền địa phương và nông dân…”

Hơn nữa, nhà nước có vai trò quan trọng là quản lý cạnh tranh để tránh bất cứ độc quyền nào trong ngành hàng hóa, dịch vụ.

Theo Hoàng Hường (Thực hiện)

1) R.I.P., Free-Trade Treaties?, John Cassidy, The New Yorker, 16/6/2015.
2) Fast Track and TPP Bad for Development, Oxfamamerica.org.

Saturday, January 23, 2016

Global Innovation Index Framework

Tuesday, December 15, 2015

Những trụ cột năng lực cạnh tranh quốc gia

Tuesday, July 23, 2013

Lãi suất 5% có 'cứu' được nền kinh tế?


(VIETNAMNET.VN) 2013 là năm quan trọng khi kinh tế vĩ mô đã ổn định với lãi suất đã giảm mạnh và thị trường tài chính đi vào trật tự. Tuy nhiên, các thông tin và chỉ số phát triển kinh tế vẫn là nỗi lo lớn. Chính sách lãi suất hiện nay liệu có cản trở sự phát triển?
Không lo người gửi “bỏ chạy”
Giai đoạn 2000-2009 trước đây, lãi suất huy động 8% và cho vay 12% đã có vai trò quan trọng thu hút nguồn vốn cho doanh nghiệp tập trung phát triển sản xuất, giảm tiêu dùng để giảm lạm phát. Mới đây, một vài ngân hàng đã đi trước trong việc thực hiện lãi suất huy động vào khoảng 7%, cho vay 10%-12% chứng tỏ dư địa giảm lãi suất huy động xuống 5% và cho vay xuống khoảng 7%-8% là khả thi.
Trần lãi suất huy động cần phải giảm về 5% để có thể đạt mục tiêu giảm mạnh lãi suất cho nền kinh tế. Với mức lên giá 20% của VND gần đây do neo chặt tỷ giá với USD khi USD đang lên giá với các đồng tiền khác, lạm phát dự kiến vào khoảng 8% thì người gửi vẫn sẽ để tiền trong ngân hàng. Thực tế, khi lãi suất huy động giảm xuống 7%, các ngân hàng vẫn có số dư huy động tăng khá tốt. Trần lãi cho vay sẽ được đưa về 8% với mức chênh lệch 3% dành cho chi phí hoạt động ngân hàng.
Vẫn còn dư địa để giảm lãi suất huy động xuống 5% (ảnh minh họa)
Một đặc điểm quan trọng của nền kinh tế Việt Nam là lãi suất ít có tác động đến lạm phát theo mô hình nghiên cứu định lượng lạm phát ở Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2012. Đó cũng là ý kiến của cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển trong một hội thảo đầu tư vào tháng 4/2013. Nguyên nhân là do tín dụng tiêu dùng của Việt Nam khá thấp, chỉ chiếm 10% tổng tín dụng hệ thống. Cũng theo nghiên cứu này của NHNN, lạm phát hiện nay ở Việt Nam chủ yếu do tâm lý, tốc độ cung tiền lớn và nặng nhất là do chi tiêu công của Chính phủ. Do đó, cần hết sức tránh các biện pháp kích cầu qua chi tiêu công - vốn đã chiếm tỷ trọng lớn và vượt khỏi khả năng cung ứng của nền kinh tế.
Lần đầu tiên Việt Nam có một thị trường tài chính lành mạnh và trật tự từ tháng 7/2013 khi NHNN tất toán thị trường kinh doanh vàng của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại tệ lớn và kiểm soát được mức độ và lượng USD trong nền kinh tế là một thành công đáng khích lệ của NHNN.
Một tác động lớn của mức lãi suất huy động 5% là sẽ có một lượng vốn VND sẽ rút ra khỏi ngân hàng để tìm nơi đầu tư. Trong ngắn hạn, sẽ có một lượng VND được rút ra khỏi ngân hàng để đi vào các kênh khác. Với lạm phát các năm tới sẽ vào khoảng dưới 5%, là mức lạm phát tối ưu để phát triển nền kinh tế Việt Nam theo ý kiến của các chuyên gia chính phủ, thì nguồn vốn VND sẽ quay trở lại ngân hàng trong trung và dài hạn.
Kích thích tiêu dùng, mua sắm
Lượng vốn rút ra còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tiêu dùng. Hiện nay, thị trường chứng khoán ít thu hút vốn do triển vọng kinh tế năm 2013 không tốt và tình hình kinh doanh chưa sáng sủa của các công ty niêm yết. Kênh đầu tư bất động sản đang được các ngân hàng đẩy mạnh thông qua các chương trình tín dụng kích cầu khác ngoài gói 30.000 tỷ của Chính phủ. 




Dư địa chính sách để NHNN thực hiện việc giảm lãi suất trần này là tổng mức tăng cung phương tiện thanh toán M2 còn được 10% trong năm 2013, cho phép NHNN bơm một lượng tiền ra thị trường để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. Việc tính toán chính xác lượng tiền cần thiết để bơm vào có thể thông qua các mô hình tính toán dự báo trên máy tính dựa vào số liệu đã có. Ngoài ra, NHNN có thể giảm lượng tiền phải bơm vào hệ thống bằng cách chỉ giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.
Các biện pháp để tăng tưởng tín dụng như gói 30.000 tỷ cho bất động sản, phát hành trái phiếu chính phủ và hoạt động của công ty VAMC là các biện pháp thúc đẩy trong trung hạn, có thời gian tác động khá chậm, trong vòng 2-3 năm. Trong báo cáo cập nhật tăng trưởng tháng 7/2013 của WorldBank đã giảm tăng trưởng năm nay của Việt Nam xuống 5,3% chính là do tính đến thời gian tác động khá chậm của các gói thúc đẩy này.
Biện pháp nới lỏng tiền tệ thông qua giảm lãi suất sẽ có tác dụng nhanh chóng nhất cho nền kinh tế với thời gian tác động chỉ 1-3 tháng. Đây sẽ là một liều thuốc bổ, một động lực mạnh để thúc đẩy phát triển nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng và phát triển thị trường nội địa.
Có thể thấy với việc giảm lãi suất huy động xuống 5%, chính sách tiền tệ có một mũi tên trúng nhiều đích bao gồm kích thích phát triển kinh tế trong năm 2013 thông qua tổng mức mở rộng tín dụng 12%. Việc tăng cung tiền thêm tương đương 5% cho tiêu dùng sẽ làm tăng lượng vốn cho thúc đẩy cung cầu tiêu dùng nội địa, làm tăng mức đóng góp của tiêu dùng vào thúc đẩy nền kinh tế. Một tác dụng rất quan trọng khác của tiêu dùng là làm tăng hiệu suất của nền kinh tế.
Trong báo cáo gần đây của WorldBank, Việt Nam có GDP tương đương theo sức mua là 322 tỷ USD và bình quân đầu người tương đương 3.600 USD, đứng vào nhóm các nước thu nhập trung bình. Trước đây chúng ta còn nghèo nên không thể tiêu dùng nội địa nhiều, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đã có khả năng tích luỹ đủ để tăng tiêu dùng và hoàn toàn có khả xây dựng thị trường nội địa mạnh với 90 triệu dân với đa số là dân số trẻ và có nhu cầu tiêu dùng cao.
Việc giảm lãi suất trần huy động cho phép giảm mạnh lãi suất trái phiếu. Hiện nay, trái phiếu chủ yếu được huy động ở các kỳ hạn ngắn dưới 5 năm với lãi suất khoảng 8%. Khi trần lãi suất giảm xuống 5% thì sẽ huy động được trái phiếu loại dài hạn hơn 5 năm với lãi suất chỉ còn khoảng 6%. Khi đó, chi phí đáo hạn của trái phiếu sẽ giảm được 30%. Điều này rất quan trọng và có lợi cho kế hoạch phát hành và sử dụng trái phiếu của chính phủ và doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, khẳng định với việc giảm lãi suất, áp lực lên việc tái cấu trúc sát nhập ngân hàng cũng lớn lên, do vốn huy động chuyển từ ngân hàng yếu kém sang các ngân hàng mạnh mẽ, sẽ làm cho công việc tổ chức lành mạnh hoá ngân hàng thuận lợi hơn khi khi các nhóm lợi ích ngân hàng yếu kém bị áp lực cạnh tranh từ nhóm các ngân hàng lành mạnh.
Việc giảm lãi suất để thúc đẩy và phát triển kinh tế đòi hỏi nghệ thuật và bản lĩnh, trình độ của Chính phủ, NHNN trong việc thực hiện. Theo kinh nghiệm gần đây của kinh tế học hiện đại, các biện pháp tiền tệ sẽ có tác động mạnh nhất đến việc kích thích kinh tế khỏi trì trệ, suy thoái mà ở đây, ngân hàng trung ương đóng vai trò quan trọng.
Một cách ngắn gọn, khi thế giới đã thay đổi, chúng ta cần dứt khoát thay đổi lối tư duy đánh nhanh thắng nhanh bằng cách tăng trưởng dựa vào khẩu sang phát triển nhờ tiêu dùng nội địa để có một tăng trưởng hiệu quả và bền vững hơn.
Nguyễn Anh Tiến
SG 22/7/2013

Labels: , , ,

Friday, February 24, 2012

NHẬN THỨC MỚI VỀ PHÁT TRIỂN VÀ TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ



Một sự đồng thuận chung hiện nay về nhận thức sự phát triển bền vững của các quốc gia chính là sự cân bằng trong phát triển và hiệu quả chung của nền kinh tế. Đây là nhận thức mới về hiện trạng và định hình xu hướng phát triển của các quốc gia. Theo lý thuyết trước đây, phát triển kinh tế xã hội được đo bằng tăng trưởng GDP hàng năm, tức là đo lường mức độ giao dịch và tận dụng tài nguyên, do đó sẽ không thể đánh giá được hiệu quả thực sự của chỉ số tăng trưởng. Lý luận phát triển cổ điển theo mô hình kinh tế công nghiệp cũ này có gốc rễ sâu xa dựa trên giả thuyết là tài nguyên thiên nhiên là vô hạn, có thể tái tạo và nguồn lực con người là khan hiếm. Về thực chất, đây là mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, trái ngược với sự phát triển bền vững theo chiều sâu.


Ngược lại, chúng ta đều biết rõ các nguồn tài nguyên thiên nhiên là không thể tái tạo khi đã sử dụng như than đá, dầu hỏa… chính là những nguồn năng lượng chính cho sự phát triển công nghiệp hóa của loài người cho đến nay. Đầu thế kỷ 20 loài người chỉ có khoảng  1 tỷ người thì sắp tới trên trái đất sẽ có khoảng 10 tỷ người chung sống, sẽ là một nguồn nhân lực gần như vô hạn! Các nguồn tài nguyên thiên nhiên được dự báo sẽ rất sớm bị cạn kiệt do nhu cầu quá lớn. Hiện nay các nguồn năng lượng tái sinh chỉ cung cấp chưa đến 40% nhu cầu năng lượng chung. Các nguồn năng lượng khác như đá khí mêtan đưới đáy biển có chi phí sản xuất sẽ rất cao do độ sâu khai thác lớn và tốn chi phí vận chuyển. Do đó, cần phải giảm bớt tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch và tăng cường dùng các nguồn năng lượng tái tạo mới như địa nhiệt, phong điện… hướng đến sự cân bằng tổng thể trong tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế.

Đặt sự phát triển của Việt Nam trong sự phát triển chung của thế giới, chúng ta cần nhận thức lại một số nền tảng cơ bản và xây dựng một học thuyết phát triển cho đất nước. Học thuyết phát triển mới cần đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia, xác định ra một vị thế quốc gia để đem lại giá trị  và tự hào dân tộc cho mỗi người Việt Nam. Chúng ta cần một chủ thuyết phát triển đem lại sự cân bằng giữa phát triển và bền vững, giữa dân giàu nước mạnh và xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Sự phát triển bền vững phải bao gồm sự hiệu quả của nền kinh tế, không gây tổn hại đến môi trường và hòa nhập với cộng đồng kinh tế toàn cầu nhằm đem lại lợi ích đôi bên lâu dài cho các quốc gia, hình thành một hệ sinh thái kinh tế hợp tác toàn cầu bền vững và hiệu quả.

 

Các nguồn tài nguyên tự nhiên như dầu lửa, than đá, khí đốt cần phải biến thành các sản phẩm đầu vào công nghiệp, được sử dụng và tái tạo nhiều lần. Theo nhà hóa học vĩ đại người Nga Dmitri Mendeleev, người phát minh ra bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học, thì việc đem đốt cháy các sản phẩm này là một sự lãng phí tuyệt đối nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam cũng có các nguồn dầu mỏ, than, khí… hiện chỉ được đem dùng làm chất đốt là rất lãng phí. Các nguồn tài nguyên này cần được đưa vào làm nguồn nguyên liệu cho các ngành hóa chất, hóa dầu để chế biến sâu đem lại các sản phẩm cao cấp như tơ sợi nhân tạo, composit, hóa chất công nghiệp… để thực hiện những việc này cần có tri thức và công nghệ từ đó hình thành sự phát triển theo chiều sâu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay chúng ta đang xuất thô các nguồn tài nguyên quốc gia một cách rất lãng phí. Sắp tới các nguồn nguyên liệu sẽ có giá cả ngày càng tăng do nhu cầu của thế giới là rất lớn trong khi các nguồn cung ngày càng ít và khó khai thác.

Nhận thức mới về sự phát triển là phải giảm sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng không tái sinh và sử dụng rất tối ưu các nguồn năng lượng hiện có. Nhất thiết phải tăng cường hiệu suất sử dụng năng lượng công nghiệp nói chung, tiết giảm các ngành tiêu thụ năng lượng cao và kém hiệu quả như nấu luyện thép, xi măng. Các ngành công nghiệp hiện dùng tới hơn 80% nguồn năng lượng quốc gia, có mức tiêu thụ năng lượng bình quân cao hơn 30% các nước ASEAN. Nghĩa là hàng năm chúng ta đang mất khoảng 24% trong tổng nguồn cung năng lượng quốc gia, đây là một con số thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Mặt khác, do giá cả năng lượng quá thấp cũng không tạo động lực tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng trong toàn bộ nền kinh tế, là một yếu tố làm giảm tăng trưởng bền vững.
Tốc độ tăng trưởng bền vững tối ưu của Việt Nam cần vào khoảng 6% là phù hợp. 

Với tốc độ phát triển vừa phải ta sẽ có hiệu quả sử dụng nguồn vốn tối ưu nhất và làm giảm áp lực phải huy động nguồn vốn đầu tư quá lớn. Trong thời gian sắp tới, các quốc gia đang phát triển sẽ phải cạnh tranh nhau gay gắt để có nguồn vốn phát triển kinh tế. Quốc gia nào có hiệu quả sử dụng vốn tối ưu sẽ giành được nhiều ưu thế. Trong khả năng đầu tư tối đa vào khoảng 36% GDP và nếu phân bổ tốt nguồn vốn thì hiệu quả chung nền kinh tế sẽ đạt được ICOR=6 thì tăng trưởng GDP khoảng 6% là hoàn toàn khả thi. Với tốc độ tăng trưởng 6% chúng ta sẽ đảm bảo được vấn đề xã hội rất quan trọng là vấn đề tạo việc làm. Mặt khác, với việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động, cũng sẽ làm giảm áp lực tạo việc làm hàng năm. Lực lượng xuất khẩu lao động cũng sẽ đem lại nguồn kiều hối hàng năm rất lớn. Như vậy, việc xuất khẩu lao động cần được nhìn nhận một cách chính thức là một ngành kinh tế mũi nhọn cần được đầu tư và phát triển một cách lâu dài và có chiến lược phù hợp với việc tạo và giữ thương hiệu lao động Việt Nam, chất lượng lao động, hoàn thiện hệ thống đào tạo lao động xuất khẩu.

Một yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chung của nền kinh tế chính là hiệu quả của hệ thống hành chính và vai trò của nhà nước. Đề án 30 về cải cách hành chính cần phải có sự đột phá trong tư duy nhằm đem lại một chính quyền hiệu quả và là động lực hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội. Thực chất, chính sự kém hiệu quả của hệ thống hành chính là yếu tố làm ICOR (hệ số sử dụng vốn đầu tư) của Việt Nam hiện nay rất cao, khi toàn thể xã hội bị níu kéo bởi một hệ thống hành chính chậm chạp và quá phức tạp. Chúng ta cần tham khảo các mô hình quản trị nhà nước hiệu quả của Anh, Pháp, Singapore, Hongkong, Úc để học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn thí điểm áp dụng cải cách hành chính toàn diện tại Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bình Dương, Phú Quốc, Dung Quất để đánh giá kết quả. Trên cơ sở đó hình thành một thể chế chính quyền kiến tạo phát triển cho quốc gia. Để làm được việc này cần có đột phá tư duy mạnh mẽ, cần phải xây dựng một nền hành chính hiệu quả dựa trên cơ sở quản trị hiện đại và tinh gọn, từ đó xây dựng một chính quyền điện tử mạnh và chính phủ điện tử hiệu quả. Trung Quốc cũng đã có khá nhiều kinh nghiệm xây dựng chính quyền mạnh và hiệu quả tại Bắc Kinh, Thượng Hải.

Lãng phí mang tính hệ thống khác là khối Tập đoàn kinh tế và DNNN đang nắm giữ 65% nguồn lực quốc gia, hiện có hiệu suất sử dụng nguồn vốn thấp, có thể nói là hiệu quả kinh tế âm với chỉ có vài DNNN là thực sự có chỉ số hiệu quả kinh tế EVA (Economic Value Added) dương. Do đó rất cấp thiết phải xác định các yếu tố then chốt để tái cấu trúc khối DNNN theo hướng hiệu quả, tinh gọn, hiện đại, năng lực cạnh tranh cao, có khả năng dẫn dắt chiến lược kinh tế quốc gia. Các DNNN còn phải là nơi dẫn đầu trong việc áp dụng khoa học công nghệ, sáng tạo đổi mới để có năng lực phát triển theo chiều sâu. Các nhiệm vụ cụ thể là phải hình thành sản phẩm thương hiệu quốc gia cho các nguồn lực mà DNNN đang quản lý bao gồm: dầu mỏ,khoáng sản, than đá, cà phê, cao su, lúa gạo… Khối DNNN này trước hết phải làm được công tác quản lý giá cả xuất khẩu thông qua các thông tin kịp thời về sản xuất trong nước và dự báo tốt xu hướng nhu cầu thế giới, đó chính là những tri thức và hiểu biết sâu sắc về thị trường. Định hướng chung là đến năm 2020 chúng ta sẽ có nền kinh tế phát triển hoàn thiện và cân bằng XNK. Mục tiêu chiến lược đó chỉ có thể đạt được khi tăng cường giá trị các sản phẩm xuất khẩu để cân bẳng với nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cho đầu vào nền kinh tế và có tiền để trả nợ ODA, FDI.

Một nhận thức mới để phát triển chính là thị trường nội địa sẽ có gần 100 triệu khách hàng, đây là một thị trường tiêu thụ khá lớn và dễ tính bên cạnh các thị trường nước ngoài đang ngày càng khó khăn hơn. Các tập đoàn nước ngoài cũng đang tăng tốc khai thác thị trường Việt Nam khi sắp đến thời hạn phải mở cửa thị trường nội địa cho các sản phẩm và dịch vụ quốc tế theo các cam kết gia nhập WTO. Sự phát triển thị trường trong nước chính là sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, cân bằng các thị trường để không quá lệ thuộc  vào các thị trường nước ngoài. Trong các thị trường xuất khẩu, các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Đông Âu, Trung Đông sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt hơn các thị trường cũ như EU, Mỹ, Nhật… Các thị trường mới này đòi hỏi doanh nghiệp phải làm tốt hơn các công tác tiếp thị, có sản phẩm phù hợp và phải có các đối tác kinh doanh tin cậy. Khi giải quyết được các vấn đề này thì hiệu quả sẽ rất lớn khi mở ra một thị trường và hướng phát triển mới.

Các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, chè, lúa gạo, trái cây, thuỷ hải sản… cần được chế sâu hơn thành các sản phẩm có thương hiệu lớn để đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay, chỉ khoảng 10% các sản phẩm nông sản là được chế biến sâu và có thương hiệu. Còn lại là chủ yếu xuất thô với giá trị kinh tế không cao, cũng không kiểm soát được giá cả và thị trường tiêu thụ. Cần xem  xét các sản phẩm này là đầu vào cho các ngành kinh tế chế biến, tạo ra sản phẩm nông nghiệp cao cấp có tầm thương hiệu quốc gia như: Hoa tuylip Hà Lan, Gạo thơm Thái Lan, Chè đen Sri Lanka, Rượu vang Pháp, Chuối Bahamas…

Nông nghiệp hiện đại và bền vững được nhìn nhận là một nền nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường, không lạm dụng các hoá chất và sử dụng thuốc trừ sâu một cách bừa bãi. Các sản phẩm nông nghiệp sinh thái có giá trị cao đều không dùng hoá chất độc hại mà sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện môi trường. Các trang trại qui mô nhỏ, có nhiều nông dân am hiểu về công nghệ nông nghiệp sinh thái sẽ có nhiều ưu thế để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sinh thái cao cấp đạt được GlobalGAP. Các quy trình sản xuất nông nghiệp sinh thái không yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn, tuy nhiên cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sản xuất sạch, bảo vệ môi trường và kiểm soát truy nguyên nguồn gốc nông sản. Các sản phẩm nông nghiệp sinh thái đều có giá trị kinh tế rất cao và thị trường tiêu thụ ngày càng lớn. Theo Tiến sĩ nông học Nguyễn Quốc Vọng, các trang trại lớn với sản phẩm thâm canh và các sản phẩm biến đổi gien sẽ rất khó chen chân vào các thị trường cao cấp như Nhật, EU. Thậm chí các quốc gia này sẽ không cho phép các nông sản chế biến liên quan biến đổi gien được nhập khẩu. Việt Nam với chiến lược sản phẩm nông nghiệp sinh thái giá trị cao sẽ rất bất lợi nếu các sản phẩm nông nghiệp bị xem là có các thành phần biến đổi gien, thậm chí có thể bị cấm nhập khẩu vào các thị trường này như một số sự việc đã xảy ra khi Nhật cấm nhập khẩu bánh tráng Việt Nam bị phát hiện có dùng bột bắp biến đổi gien.

Về bản chất, sự phát triển theo chiều sâu chính là nền tảng của phát triển bền vững. Sự phát triển theo chiều sâu đòi hỏi phải sử dụng tri thức nhiều hơn là nguồn vốn, cần có những hiểu biết hoàn chỉnh và thông tin chính xác, với vai trò quyết định của các chuyên gia và trí thức đầu ngành. Những yếu tố này gắn bó mật thiết với việc sử dụng thông tin và ứng dụng hiệu quả CNTT và truyền thông trong toàn xã hội. Để phát triển theo chiều sâu, kinh nghiệm từ các quốc gia như Nhật, Pháp, Đức, Mỹ, Thuỵ Điển đó chính là vai trò của tri thức trong nền kinh tế. Những tri thức về công nghệ, quản trị, những chuyên gia đầu ngành đã hình thành nên những sản phẩm công nghệ cao, hệ thống quản trị hiệu quả. Nòng cốt của nền kinh tế tri thức chính là những doanh nghiệp có năng lực đổi mới và sử dụng có hiệu quả tài nguyên tri thức, là hệ thống viện nghiên cứu và các trường đại học đào tạo ra trí thức và cung cấp môi trường nghiên cứu cần thiết. Đỉnh cao tri thức của mỗi quốc gia chính là Viện Hàn Lâm Quốc Gia, nơi tập hợp trí thức tinh hoa hàng đầu, là nguồn gốc của những tư tưởng lớn và trí tuệ kiệt xuất, đem lại niềm tự hào dân tộc như Viện Hàn Lâm Quốc Gia Anh, Pháp, Nga, Thuỵ Điển. Như vậy, Viện Hàn Lâm Quốc Việt Nam sẽ là nơi tập hợp trí tuệ hàng đầu của đất nước, đóng vai trò nhận thức và phản biện cho những vấn đề then chốt mang tầm chiến lược quốc gia và đó sẽ là biểu tượng mới của tri thức và trí tuệ Việt Nam. 

Các nhà khoa học Việt Nam đã có vai trò rất lớn trong việc đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Thành quả của nền kinh tế nông nghiệp hiện nay chính là nhờ công sức của rất nhiều thế hệ nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam khởi đầu từ giữa những năm 1950 của thế kỷ trước. Các thành tích quốc tế của ngành toán học, vật lý, y học… gần đây cũng đã cho thấy tiềm năng rất lớn của trí thức Việt Nam. Những kết quả tốt đẹp này chính là từ tầm nhìn chiến lược và sáng suốt của các nhà lãnh đạo trước đây, trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn đã đầu tư một cách có hệ thống vào các ngành khoa học và các thế hệ những nhà khoa học đầu ngành. Chúng ta đang có những tập đoàn xây dựng, dầu khí, viễn thông, hàng không, du lịch thuộc nhóm đầu khu vực và thế giới, đó chính là những nền tảng quan trọng để phát triển và làm chủ kinh tế quốc gia. Những doanh nghiệp này đều có thành tích tốt trong việc sử dụng tri thức, áp dụng công nghệ cao và có hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả.

Trong sự phát triển của các quốc gia với các điều kiện khách quan và môi trường toàn cầu đã thay đổi một cách căn bản và được liên kết hệ thống chặt chẽ với nhau qua các thể chế kinh tế chính trị đa dạng và ngày càng phức hợp, Việt Nam cần tận dụng tối ưu các nguồn lực và ưu thế để tìm cho mình một con đường phát triển bền vững, giữ được độc lập chủ quyền kinh tế trong sự hoà hợp và kết nối toàn cầu hoá. Người Việt Nam thông minh, khéo léo và dũng cảm cần tìm cho mình một vị thế phù hợp trong một thế giới hiện đại đang phát triển nhanh chóng. Để làm được việc đó, chúng ta cần xác định cho mình một học thuyết để phát triển, một động lực để phát triển đó chính là sự phát triển bền vững của chính đất nước Việt Nam và chúng ta có niềm tin và hy vọng về một sự hoá rồng của đất nước. 

SG.02.2012

Labels: , , , , , , ,